Do Pháp áp dụng luật pháp nghiêm ngặt về súng, bọn khủng bố tấn công liên hoàn ở Paris đêm 13-11 có thể đã phải tìm đến thị trường đen để mua số vũ khí mà chúng sử dụng. Thế nhưng, ở Mỹ thì khác, các nghi can khủng bố và cả bọn khủng bố đích thực đều có thể mua được vũ khí theo luật pháp liên bang.
Kiểm tra thiếu hiệu quả
Báo cáo của Văn phòng Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) gần đây xác nhận: 91% số vụ mua súng của các nghi can khủng bố ở Mỹ đã thực hiện thành công. Theo đó, từ năm 2004-2014, các nghi can khủng bố đã mua súng từ các nhà buôn Mỹ ít nhất 2.233 lần và đã thành công 2.043 lần. Tuy nhiên, con số trên nhiều khả năng còn cao hơn nữa, theo báo Washington Post.
Theo luật pháp liên bang, tất cả giao dịch súng được thực hiện thông qua các nhà buôn có giấy phép của liên bang đều là đối tượng xem xét của Cục Điều tra Liên bang (FBI). Tuy nhiên, những cuộc kiểm tra như vậy chỉ nhắm vào thông tin giới hạn nào đó, như người mua có tiền án hoặc có bị đưa vào một cơ sở chữa bệnh tâm thần hay không. Việc kiểm tra nhân thân ở tầm liên bang cũng không rút ra được những tín hiệu cảnh báo nào, như người mua có mối quan hệ với các tổ chức khủng bố hay không. “Tư cách thành viên tổ chức khủng bố không ngăn cản một cá nhân sở hữu súng hoặc chất nổ, chiếu theo luật pháp liên bang hiện hành” - báo cáo của GAO xác nhận. Luật cấm mua súng đối với các tội phạm, kẻ trốn chạy, nghiện ma túy và bạo hành gia đình nhưng không cấm những người trong danh sách theo dõi khủng bố của FBI.
Thêm vào đó, danh sách theo dõi khủng bố của FBI - đã tăng lên đến hơn 700.000 người - có những thiếu sót rất đáng chê trách: Nhiều người trong danh sách này hóa ra chỉ là bà con xa hoặc là người quen của các nghi can và chẳng hề có mối quan hệ trực tiếp nào với các nhóm khủng bố. Một số khác không may mắn khi có tên trùng với các nghi can khủng bố. Điều đó đã khiến cho những người ủng hộ súng phản đối hành vi liên kết danh sách trên với quyền sở hữu súng.
“Sau vụ 11-9, dư luận kêu gọi chính phủ liên bang ngưng bán súng cho các nghi can có tên trong danh sách theo dõi khủng bố” - hạ nghị sĩ Peter King (New York) nhấn mạnh. Hơn nữa, sau khi thủ đô Paris của Pháp bị tấn công, nhiều người cảm thấy rằng cảm giác trên còn mạnh hơn nhiều. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (California) tuyên bố: “Nếu anh quá nguy hiểm không được phép lên máy bay thì anh cũng quá nguy hiểm nên không được mua súng”. Còn thượng nghị sĩ Charles Schumer (New York) kêu gọi: “Mục đích của chúng ta là ngăn chặn bọn khủng bố có vũ khí hơn là bảo đảm rằng chúng ta bắn chúng sau khi chúng đã bóp cò súng”.
Dễ dàng mua vũ khí
“Nước Mỹ đang tràn ngập các loại súng ống” - kênh Al Jazeera trích dẫn nhận định của Adam Gadahn, một công dân Mỹ và cũng từng là phát ngôn viên cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda, kẻ đã công bố một loạt đoạn băng video khuyến khích hành động bạo lực chống lại phương Tây.
Theo báo Anh The Guardian, chính phủ Mỹ đã thừa nhận nước này là một siêu thị thực sự đối với bọn khủng bố và các chính phủ nước ngoài đang săn tìm công nghệ quân sự tinh vi, kể cả các thành phần có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân và trang bị cho các phần tử nổi dậy chống lại Mỹ cùng các đồng minh. Các nhà điều tra của chính phủ Mỹ đã đóng giả làm người mua áo giáp quân sự, công nghệ để bình ổn và điều khiển tên lửa được dẫn đường, thiết bị có thể sử dụng để kích hoạt vũ khí hạt nhân và các loại đạn dược khác thông qua các kênh hợp pháp ở Mỹ. Họ đã né tránh khâu kiểm soát xuất khẩu và xuất trình giấy tờ giả cho các quốc gia được biết đến là các điểm trung chuyển đối với các nhóm khủng bố và các chính phủ nước ngoài đang tìm mua vũ khí cùng các thành phần vũ khí.
Cuộc điều tra cho thấy những quy định hạn chế, kiểm soát xuất khẩu lỏng lẻo có thể tạo điều kiện cho bọn khủng bố và các chính phủ nước ngoài thù địch với Mỹ mua trang thiết bị để sử dụng chống lại Mỹ cũng như đồng minh. Hai loại đối tượng trên lâu nay vẫn tìm cách mua công nghệ quân sự từ Mỹ. Riêng trong năm 2008, ít nhất 145 người đã bị buộc tội vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu, 43% trong số đó đã cố vận chuyển bất hợp pháp thiết bị quân sự sang Iran và Trung Quốc.
Trong khi đó, các công ty tư nhân Mỹ cung cấp thiết bị này cho biết họ không được yêu cầu kiểm tra nhân thân người mua hoặc phải có giấy phép của chính phủ cho các giao dịch mua bán. Còn Bộ Thương mại Mỹ quả quyết các công ty bán loại thiết bị nêu trên không vi phạm bất cứ luật pháp hay quy định nào. Theo các nhà điều tra, vấn đề là ở chỗ trang thiết bị quân sự nhạy cảm bị cấm xuất khẩu lại thường hợp pháp để bán bên trong nước Mỹ do ít quy định hạn chế.
Ông Gregory Kutz, nhân viên GAO, cho biết: “Tình trạng thiếu những hạn chế về pháp lý đối với các vụ mua bán nội địa các mặt hàng này, kết hợp với những khó khăn liên quan đến việc kiểm tra các kiện hàng và các cá nhân rời nước Mỹ, dẫn đến môi trường kiểm soát yếu kém. Kết quả là không thể ngăn chặn một cách hiệu quả các phần tử khủng bố và các gián điệp của chính phủ nước ngoài thu thập được những món hàng nhạy cảm này”.
14 năm, 18 vụ khủng bố
Theo website The Trace, trong vòng 14 năm từ sau vụ 11-9-2001, đã xảy ra 18 vụ tấn công khủng bố trên đất Mỹ, làm chết 42 người, trong đó 39 nạn nhân bị bắn chết bằng súng. Tất cả 7 vụ gây chết người đều liên quan đến súng. Đặc biệt là, trong 5/7 vụ trên, những kẻ tấn công đã mua súng một cách hợp pháp. Trong 2 trường hợp còn lại, 1 hung thủ mượn súng của người bạn thân và 1 tên đánh cắp súng của mẹ y.
Kỳ tới: Nhà sản xuất hưởng lợi
Bình luận (0)