Bộ Bầu cử (ELD) Singapore hôm 8-7 cho biết giai đoạn im lặng 24 giờ diễn ra trước ngày bỏ phiếu nhằm để các cử tri có thời gian cân nhắc hợp lý. "Ngày lắng đọng" được thực hiện lần đầu tiên trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2011.
Theo đó, bất kỳ hoạt động ra mắt quảng cáo bầu cử mới nào hoặc thay đổi những quảng cáo bầu cử hiện tại đều bị cấm trong hai ngày 9 và 10-7. Các đảng chính trị cũng không được tiến hành quảng cáo lập trình, như sử dụng công nghệ để tự động phân phối quảng cáo trực tuyến.
ELD cũng khuyến cáo các ứng viên tranh cử cẩn trọng tránh bất kỳ hành động nào bị xem là thực hiện chiến dịch tuyên truyền. Theo ELD, để tránh mọi nhầm lẫn, các ứng viên tranh cử không nên gặp cử tri hoặc tham dự các sự kiện công khai vào "Ngày lắng đọng" và "Ngày bỏ phiếu", nơi họ có khả năng thu hút sự chú ý của công chúng và có thể bị xem là kêu gọi ủng hộ.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thuộc đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) đến trung tâm đề cử hôm 30-6 Ảnh: REUTERS
Theo đài Channel NewsAsia (Singapore), ELD cũng nhấn mạnh việc công bố kết quả các cuộc khảo sát bầu cử và thăm dò ý kiến đều bị cấm trước khi tất cả các điểm bỏ phiếu đóng cửa trong ngày 10-7. Cuộc bầu cử tại Singapore xoay quanh 6 vấn đề chính từ việc làm đến dịch Covid-19 và dân số. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu, các đảng phái chính trị của đảo quốc đã có những chính sách riêng nhằm bảo đảm công việc cho người dân và giải quyết nạn thất nghiệp.
Đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) đưa vấn đề việc làm lên hàng đầu và là trọng tâm của thông điệp tranh cử "Cuộc sống, công việc và tương lai của chúng ta". Giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành, PAP cũng xem nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống của người dân là ưu tiên hàng đầu thông qua các biện pháp phòng dịch và bảo đảm hệ thống chăm sóc sức khỏe không bị quá tải.
Vấn đề thúc đẩy tăng dân số thông qua nhập cư và bảo vệ lợi ích của người lao động Singapore trước làn sóng lao động nước ngoài cũng là đề tài tranh cãi giữa PAP và phe đối lập. Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) tiếp tục khuấy động cuộc bầu cử năm nay khi các đảng đối lập phản đối kế hoạch tăng thuế từ 7% lên 9% trong giai đoạn 2022-2025. Trong khi đó, PAP nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng GST vào năm 2025 để tài trợ cho nhu cầu chi tiêu thường xuyên của Singapore.
Bình luận (0)