Nhà chức trách Singapore đang đối mặt tình trạng ngày càng có nhiều học sinh tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia sau khi bị bắt nạt. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, đã có 58 trường hợp bắt nạt học đường được ghi nhận tại Singapore, cao hơn 24 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả năm 2014 thì số trường hợp bắt nạt được ghi nhận là 134. “Ngày càng có nhiều cuộc trò chuyện tư vấn về tình trạng bắt nạt, có lẽ vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn và học sinh ngày nay đã sẵn sàng để nói về điều này” - bà Rachel Tan, một chuyên gia tại Hiệp hội Bảo vệ trẻ em Singapore (SCS), nói với báo The Straits Times hôm 28-9.
Đáng chú ý, theo SCS, hiện tượng bắt nạt ở học đường đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thế giới ảo và khiến tinh thần nạn nhân chịu nhiều tổn thương hơn. Theo giới chuyên gia, bắt nạt trực tuyến là những hành động gây hấn được lặp đi lặp lại trên mạng xã hội, blog và tin nhắn. Cuộc thăm dò 2.600 học sinh từ 13-15 tuổi trong 6 tháng đầu năm 2015 của Công ty Tư vấn Kingmaker Consultancy cho thấy ngày càng có nhiều em cảm thấy mình là nạn nhân của những hành động thù địch trên mạng, như bị cô lập, tung tin đồn bằng tin nhắn hoặc thông điệp trên mạng, trở thành trò cười của người khác hoặc nhận tin nhắn xúc phạm. Cũng theo cuộc khảo sát, khoảng 1/4 học sinh thừa nhận từng bắt nạt người khác.
Ông Poh Yeang Cherng, một nhà tư vấn tại Kingmaker, nhìn nhận: “Khi giới trẻ tăng cường sử dụng internet để thể hiện bản thân, họ cũng bắt chước những hành vi hung hăng từ cộng đồng mạng, mạng xã hội và trò chơi trực tuyến”. Theo ông Poh, bắt nạt trên mạng khó phát hiện vì có rất “ít phản hồi” đối với hành vi này. “Cũng không dễ thấy được những ảnh hưởng của bắt nạt trên mạng. Nhiều người không xem đây là vấn đề lớn bởi không có hành vi bạo lực” - chuyên gia này nói thêm.
Tuy nhiên, Thomas Lee - một bác sĩ tâm thần học tại Bệnh viện Resilienz - nhận định bắt nạt có thể gây tổn thương hơn cả hành động bạo lực bởi người ta thường nhớ dai những lời lẽ không hay về mình và những vết thương tinh thần cũng khó chữa lành hơn vết thương ngoài da.
Trước thực trạng trên, Bộ Giáo dục Singapore đã yêu cầu các trường học có những biện pháp cần thiết để tạo ra “môi trường học tập an toàn”; đồng thời các trường cần phải nhanh chóng điều tra và xem xét tất cả trường hợp bắt nạt được báo cáo cũng như kỷ luật nghiêm những đối tượng bắt nạt. Nhà trường cũng cần hỗ trợ những học sinh bị bắt nạt và giúp những người liên quan rút ra bài học từ những gì đã xảy ra.
Bình luận (0)