Tổng thống Donald Trump vừa gây tranh cãi mới khi thông báo ý định chấm dứt sự tồn tại của quy định bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ đều trở thành công dân nước này thông qua một sắc lệnh hành chính đang được soạn thảo.
Tuyên bố trên được tổng thống Mỹ đưa ra khi trả lời phỏng vấn trang Axios hôm 30-10, lập tức gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước Mỹ dù vẫn còn quá sớm để biết liệu ông chủ Nhà Trắng nói có đi đôi với làm hay không.
Trước mắt, trang Newsday chỉ ra rằng việc ông Trump đưa ra phát biểu gây chú ý nói trên ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là nhằm lôi kéo những cử tri muốn giảm dòng người nhập cư.
Trong trường hợp một sắc lệnh như thế được ký ban hành, đây sẽ là động thái nổi bật nhất trong chiến dịch cứng rắn với người nhập cư đang được ông Trump theo đuổi. Khi đó, sắc lệnh chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu căng thẳng khác giữa Nhà Trắng và tòa án.
Tổng thống Donald Trump có ý định chấm dứt nguyên tắc “quyền công dân ngay khi sinh” trong bối cảnh dòng người di cư tiếp tục đổ về biên giới Mỹ Ảnh: REUTERS
Được thông qua năm 1868 sau khi kết thúc cuộc nội chiến ở Mỹ để bảo vệ quyền của những người nô lệ mới được giải phóng, Tu chính án 14 quy định mọi trẻ em ra đời ở Mỹ sẽ tự động trở thành công dân nước này, bất kể cha mẹ bé có phải là công dân Mỹ hay không (trừ một số trường hợp ngoại lệ).
Hầu hết học giả cho rằng Tổng thống Donald Trump không thể chấm dứt nguyên tắc "quyền công dân ngay khi sinh" bằng một sắc lệnh hành chính. Chuyên gia về hiến pháp Saikrishna Prakash thẳng thắn: "Ông ấy đang làm một chuyện khiến nhiều người lo ngại... Đây không phải là chuyện ông ấy có thể quyết định một mình".
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng cho rằng tổng thống không thể hành động đơn phương trong vấn đề này. Ngay cả các luật sư và các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Donald Trump cũng hoài nghi liệu một sắc lệnh hành pháp như thế có hợp pháp hay không, theo báo The Washington Post.
Ở chiều ngược lại, một số nghị sĩ Cộng hòa tỏ ra ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Donald Trump. Thượng nghị sĩ Chuck Grassley cho biết quyền công dân ngay khi sinh đối với con của thường trú nhân là luật hiến định nhưng các học giả vẫn đang tranh luận liệu quyền lợi đó có áp dụng cho con cái người nhập cư trái phép hay không.
Trong khi đó, theo đài BBC, có thể chỉnh sửa hiến pháp để xóa bỏ nguyên tắc về quyền công dân Mỹ nhưng điều này đòi hỏi 2/3 phiếu thuận ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ và sự phê chuẩn của 3/4 các bang ở Mỹ.
Thực ra, theo trang Bloomberg, vấn đề quyền công dân ngay khi sinh đã từng được Tòa án Tối cao Mỹ xem xét, trong đó nổi bật nhất là vụ việc liên quan đến một người có tên Wong Kim Ark hồi năm 1898.
Wong Kim Ark ra đời ở bang California năm 1873 và có cha mẹ đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Trung Quốc, Wong Kim Ark đã bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ năm 1895 theo một đạo luật ra đời năm 1882 nhằm cấm người lao động Trung Quốc nhập cảnh.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao phán quyết rằng đạo luật trên không áp dụng cho Wong Kim Ark và người này là công dân Mỹ do chào đời ở Mỹ.
Chưa hết, dư luận còn phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ là quốc gia duy nhất cấp quyền công dân cho những đứa trẻ sinh ra sau khi cha mẹ chúng đến Mỹ và được hưởng mọi quyền lợi.
Truyền thông Mỹ nhanh chóng chỉ ra rằng thông tin này không chính xác bởi thực tế có hơn 30 quốc gia, bao gồm Canada và Mexico, có quy định tương tự Mỹ về vấn đề này.
Đoàn di dân thứ hai hướng đến Mỹ
Một đoàn di dân thứ hai với khoảng 4.000 người từ Trung Mỹ đang di chuyển xuyên qua Mexico hướng về biên giới nước Mỹ. Giống như đoàn người trước, hầu hết họ là người Honduras và bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em. Họ đã qua đêm 30-10 trong các túp lều dựng lên tại một trạm xe buýt bỏ hoang. Họ cũng từ chối lời đề nghị từ Mexico về chăm sóc y tế, cho trẻ em đi học và cấp giấy phép làm việc tạm thời nếu như họ dừng lại và xin tị nạn ở Chiapas hoặc Oaxaca.
Bình luận (0)