Bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về dịch Covid-19, hôm 22-3 cảnh báo số ca tử vong hằng tuần trên toàn cầu do dịch Covid-19 tăng trở lại sau 6 tuần là dấu hiệu đáng lo ngại. Chuyên gia này nhận định số ca nhiễm được ghi nhận gia tăng tại 4 trong 6 khu vực nhưng có sự khác biệt đáng kể ở từng nơi. Sự gia tăng số ca nhiễm mới một phần do sự lan rộng của biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Anh, sau đó lan ra nhiều nơi khác.
Theo bà Van Kerkhove, số ca nhiễm tại châu Âu đã tăng 12% trong khi tỉ lệ này ở Địa Trung Hải, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương lần lượt tăng 8%, 49% và 29% trong tuần qua. Dịch bệnh tại Mỹ và châu Phi đã hạ nhiệt nhưng con số nhìn chung vẫn đáng lo ngại.
Theo hãng tin AP, ông Michael Ryan nhấn mạnh rằng bất kỳ sự nới lỏng các biện pháp phòng dịch nào cũng nên đi kèm với việc giám sát ca nhiễm nghiêm ngặt và tăng cường tiêm chủng. Tuy nhiên, ông Ryan cũng cảnh báo chỉ tiêm vắc-xin để ngăn dịch bệnh là vẫn chưa đủ. Bình luận của chuyên gia WHO được đưa ra trong bối cảnh giới chức y tế lo ngại việc nới giãn cách quá nhanh trong lúc biến thể mới lây lan sẽ đảo ngược tiến trình chống dịch toàn cầu.
Người dân di chuyển từ Ba Lan đến biên giới Đức chờ được xét nghiệm Covid-19 ở TP Frankfurt - Đức hôm 22-3 Ảnh: Reuters
Cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích tình trạng gia tăng khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo về lượt tiêm phòng vắc-xin. Người đứng đầu WHO cho đây là sự bất công cần giải quyết để bảo đảm phân phối vắc-xin đồng đều trên toàn thế giới. Ông Tedros cảnh báo khi dịch bệnh lan rộng sẽ có thêm nhiều biến thể mới, dẫn đến kịch bản vắc-xin không còn hữu hiệu.
Tại Mỹ, số ca nhiễm mới đã tăng 5% lên hơn 394.000 trường hợp hồi tuần trước sau 9 tuần ghi nhận số ca mắc Covid-19 giảm. Theo hãng tin Reuters, số bang tại Mỹ ghi nhận ca nhiễm mới tăng từ 19 lên 30 bang chỉ trong vòng một tuần. Vùng Đông Bắc ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm trên đầu người cao nhất, dẫn đầu là các bang New Jersey, New York và Rhode Island. Số ca nhiễm mới tăng mạnh bất chấp Mỹ mở rộng chương trình tiêm chủng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tính đến hôm 21-3, 25% dân số Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin và khoảng 13% đã được tiêm 2 liều.
Khẩn trương chống dịch khi số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, Đức đảo ngược kế hoạch mở cửa dần nền kinh tế đã được thống nhất hồi đầu tháng này. Thủ tướng Angela Merkel thông báo Đức gia hạn thời gian phong tỏa đến ngày 18-4 và kêu gọi người dân ở nhà 5 ngày trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 3. Song song đó, Đức cũng đang gấp rút tiêm phòng cho người dân trước sự xuất hiện của các biến thể mới.
Tính đến ngày 23-3, dịch Covid-19 đã khiến hơn 124 triệu người nhiễm và hơn 2,7 triệu người chết. Trong khi đó, nỗ lực tiêm phòng đang diễn ra tại 162 nước và vùng lãnh thổ với hơn 455 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng.
Bình luận (0)