Họ đã được giải cứu khi từ Bắc Phi cố vượt Địa Trung Hải tìm đường đến châu Âu. Quốc đảo Malta đã từ chối cho tàu vào cảng của mình. Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini cũng đã lặp lại ý định không cho các tàu này cập cảng Ý.
"Ðây là cuộc chạy đua với thời gian. Bão đang đến và tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn thôi" - ông Vincent Cochetel, đặc phái viên Hội Chữ thập đỏ quốc tế tại khu vực miền Trung Địa Trung Hải, nhấn mạnh. Theo ông, các tàu "phải được phép cập cảng ngay lập tức" và người tị nạn trên đó "phải được nhận viện trợ nhân đạo rất cần thiết".
Hơn 100 người di cư đang chờ đợi trên tàu cứu hộ Open Arms trong vùng biển quốc tế. Ảnh: EL PAIS
Sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) về cách giải quyết thực trạng di cư hàng loạt đã gây ra khủng hoảng chính trị ở châu Âu, trong khi những nỗ lực cải cách hệ thống tị nạn của khối đã thất bại. Ủy ban điều hành của EU cho biết đã thúc giục các nước thành viên hành động để giải quyết tình trạng của những người di cư được giải cứu gần đây và sẵn sàng hỗ trợ các chính phủ.
Trong khi số lượng người di cư đến châu Âu bằng đường biển giảm đáng kể từ đầu năm đến nay, tỉ lệ người di cư mất mạng trên biển lại tăng mạnh. Hội Chữ thập đỏ quốc tế cho biết gần 600 người đã bỏ mạng hoặc mất tích ở vùng biển giữa Libya, Ý và Malta - trong số hơn 8.400 người vượt Địa Trung Hải trong năm 2019. Theo trang Spiked, riêng trong tháng 8 này, 14% người di cư vượt biển đã thiệt mạng, so với tỉ lệ trung bình 2% trong lịch sử.
Nguyên nhân chính là EU đã cắt giảm các cuộc tuần tra giải cứu trên Ðịa Trung Hải. Lực lượng cảnh sát biển và biên giới của EU - Frontex - cử máy bay không người lái tuần tra thay vì tàu cứu hộ.
Bình luận (0)