Văn phòng Tổng thống Duterte cho biết nhà lãnh đạo Philippines đã lên kế hoạch cấm ngư dân hai nước đánh bắt cá tại bãi cạn Scarborough (Manila tuyên bố chủ quyền, gọi là bãi cạn Panatag nhưng bị Bắc Kinh kiểm soát từ năm 2012).
Kế hoạch này, theo văn phòng Tổng thống Philippines, được “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ” khi ông Duterte đề cập tại cuộc gặp bên lề hội nghị APEC ở Peru cuối tuần rồi.
Khi được hỏi về phát biểu nói trên hôm 22-11, ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang chỉ nói Trung Quốc đã “dàn xếp hợp lý trên tinh thần hữu nghị”, qua đó cho phép ngư dân Philippines hoạt động xung quanh bãi cạn Scarborough.
Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh “chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại đảo Hoàng Nham (cách Trung Quốc gọi Scarborough) sẽ không thay đổi”. Ông Geng cho biết hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại thủ đô Lima – Peru hôm 19-11. Hai người cam kết duy trì động lực để cải thiện mối quan hệ.
“Chúng tôi hy vọng Trung Quốc và Philippines có thể tiếp tục tăng cường đối thoại và hợp tác, biến vấn đề biển Đông trở thành một yếu tố tích cực trong việc thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác song phương” – ông Geng nói mà không nhắc tới quyết định biến Scarborough thành khu bảo tồn biển của Tổng thống Duterte.
Theo kế hoạch của văn phòng nhà lãnh đạo Philippines, ngư dân 2 nước Trung Quốc và Philippines sẽ chỉ được thả lưới ở rìa bãi cạn, không được đánh cá ở bên trong để khôi phục và phát triển quần thể sinh vật biển tại đây. Nhưng kế hoạch này do Manila đơn phương trình bày và chưa thấy Bắc Kinh chính thức lên tiếng.
Kể từ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Duterte tới Trung Quốc hồi tháng 10, Bắc Kinh dường như đã làm dịu lập trường của mình liên quan đến tranh chấp bãi cạn Scarborough. Một số nhóm ngư dân Philippines cũng cho biết họ không còn bị tàu tuần duyên Trung Quốc ngăn chặn khi đánh cá tại khu vực.
Nếu kế hoạch lập khu bảo tồn biển của ông Duterte thành công, đây sẽ là giải pháp vừa phá vỡ bế tắc vừa giữ được thể diện của cả Philippines và Trung Quốc mà không cần đạt được thỏa thuận chính trị hay đàm phán chính thức.
Bình luận (0)