Hãng tin AP dẫn thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo cho biết ít nhất 2.000 người Trung Quốc đã được sơ tán khỏi các tỉnh Miyagi, Fukushima, Ibaraki sáng 16-3 trong số khoảng 33.000 người Trung Quốc sinh sống tại các nơi đó. Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết một số máy bay của các hãng hàng không Trung Quốc đã sang Nhật Bản giúp sơ tán công dân mình.
Trung Quốc cũng tăng cường giám sát hành khách và hàng hóa đến từ Nhật Bản để xem xét khả năng nhiễm xạ. Paris đã khuyến cáo công dân Pháp nên rời Tokyo và các tỉnh bị thiên tai, chuyển xuống phía Nam trong khi có 2 máy bay của hãng hàng không Air France giúp họ sơ tán. Chính quyền Úc cũng yêu cầu công dân nước mình nên rời Tokyo và vùng bị nạn nếu không có vai trò thiết yếu ở nơi đó. Nhiều nước khác cũng khuyến cáo như vậy đồng thời kêu gọi người dân nước mình không nên đến Nhật Bản nếu không có nhu cầu cần thiết. Hãng tin Reuters nêu cụ thể đó là các nước Anh, Canada, Croatia, New Zealand, Đức, Philippines, Slovakia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez hôm 16-3 tuyên bố rằng sự cố nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản khiến ông quyết định dừng phát triển năng lượng hạt nhân tại Venezuela. Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Ủy viên Năng lượng Liên hiệp châu Âu (EU) Guenther Oettinger về việc triệu tập một cuộc họp khẩn cấp gồm bộ trưởng, chuyên gia và các nhà quản lý điện hạt nhân để đánh giá mức độ an toàn. EU lo ngại đối với một số nhà máy điện hạt nhân với thiết kế thời Liên Xô trước đây ở Đông Âu như Nhà máy Kozloduy ở Bulgaria. Chính quyền Tây Ban Nha tuyên bố xem xét lại các biện pháp an toàn hạt nhân, trong khi phe đối lập phản đối Chính phủ Ý về dự án cung cấp 1/4 năng lượng điện hạt nhân vào năm 2030.
Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp đánh giá mức độ thảm họa hạt nhân của Nhật Bản là 6/7 theo thang cảnh báo quốc tế đồng thời ra lệnh kiểm tra lại 58 lò phản ứng hạt nhân của nước này. Pháp vốn phụ thuộc 80% vào nguồn điện hạt nhân và hiện vẫn cho rằng các nhà máy của mình an toàn.
Bình luận (0)