Hàng triệu người đang bị đe dọa bởi sự tan chảy nhanh của các sông băng trên dãy Himalaya. Cảnh báo trên được đưa ra trong cuộc nghiên cứu toàn diện nhất từ trước đến nay của các nhà khoa học về mức độ tan chảy của các sông băng ở khu vực này.
Sự xác nhận có căn cứ đầu tiên
Theo các kết quả nghiên cứu được Trung tâm Phát triển vùng núi quốc tế (ICIMOD) công bố tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Durban, Nam Phi vào cuối tuần rồi, các sông băng ở Himalaya đã bị thu hẹp đến 20% trong 30 năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong số này, các sông băng ở Nepal và Bhutan lần lượt bị thu hẹp 21% và 22%.
Một cuộc nghiên cứu kéo dài 3 năm của ICIMOD, có trụ sở ở thành phố Kathmandu (Nepal) và được Thụy Điển tài trợ cho thấy toàn bộ 10 sông băng được khảo sát đều đang bị thu hẹp. Một nghiên cứu khác phát hiện lượng tuyết bao phủ Himalaya cũng giảm đáng kể trong 10 năm qua.
Sông băng tan chảy trên dãy Himalaya. Ảnh: EPA
Các kết quả nghiên cứu trên được xem là sự xác nhận có căn cứ đầu tiên về những tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực. Basanta Shrestha, một nhà khoa học của ICIMOD, nói với hãng tin AFP: “Cho đến trước khi chúng tôi tiến hành cuộc nghiên cứu, người ta vẫn chưa nắm được số liệu chính xác về số lượng và diện tích sông băng ở Himalaya cũng như tình trạng môi trường của chúng”.
Rajendra Pachauri, Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nhận định: “Báo cáo của ICIMOD đã cung cấp những thông tin mới và chi tiết về ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu lên một trong những hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất thế giới. Chúng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về khu vực này, chỉ ra những lỗ hổng về kiến thức cần được lấp đầy và những hành động cần thực hiện để ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu”.
Hậu quả nặng nề
Theo các nhà khoa học, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên dãy Himalaya có thể gây những hậu quả nặng nề do khu vực này là nguồn cung cấp lương thực và năng lượng cho 1,3 tỉ người tại các vùng hạ lưu. Cụ thể là sự tan chảy của các dòng băng đang tạo ra những hồ khổng lồ, đe dọa vỡ bờ, tàn phá những cộng đồng ở các vùng hạ lưu.
Ngoài ra, các nhà hoạt động môi trường cho rằng những sông băng tan chảy ở Himalaya - được xem là “cực thứ 3” của thế giới - đang góp phần làm tăng mực nước biển, tương tự Nam cực và Bắc cực.
Vào năm 2009, IPCC từng dự báo rằng toàn bộ dòng sông băng ở Himalaya sẽ tan chảy vào năm 2035. Dù vậy, các nhà khoa học vẫn lo ngại rằng nếu không có những giải pháp ứng phó kịp thời, các dòng sông băng ở Himalaya sẽ biến mất trong những thập kỷ tới, gây ra hạn hán cho nhiều vùng của châu Á.
Hợp tác để thích ứng
Tại một hội nghị cấp cao diễn ra ở Bhutan trong tháng 11, bốn nước phía Đông dãy Himalaya là Bhutan, Nepal, Ấn Độ và Bangladesh đã đồng ý hợp tác về những vấn đề năng lượng, nước, lương thực và đa sinh học trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội nghị cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính vốn bị xem là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. |
Bình luận (0)