xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sóng gió chờ ông Obama

HOÀNG PHƯƠNG

Tổng thống và quốc hội mới ở Mỹ vẫn có thể tìm được tiếng nói chung về thương mại, cải cách thuế hay chính sách đối ngoại

Đảng Cộng hòa đã giành quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm 4-11, qua đó gia tăng sức mạnh trong 2 năm cuối cầm quyền của Tổng thống Barack Obama.

Phép thử đầu tiên

Với chiến thắng tại các bang Arkansas, Colorado, Iowa, Montana, North Carlonia, South Dakota và West Virginia, Đảng Cộng hòa nắm 52/100 ghế tại thượng viện. Số ghế có thể còn tăng vì các bang khác vẫn đang kiểm phiếu. Ngoài thượng viện, Đảng Cộng hòa dự kiến tăng thế đa số tại hạ viện lên mức cao chưa từng có kể từ Thế chiến thứ 2 cũng như chiếm lợi thế trong cuộc chạy đua cho 36 ghế thống đốc.

Khi quốc hội mới tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1-2015, đó sẽ là lần đầu tiên Đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện kể từ năm 2006 và ông Obama đối mặt không ít chông gai để thúc đẩy chương trình nghị sự trong 2 năm cuối nhiệm kỳ. Chỉ riêng việc “mất” thượng viện đã có thể ảnh hưởng đến khả năng bổ nhiệm thẩm phán liên bang, thành viên nội các và quan chức chính phủ cao cấp của ông chủ Nhà Trắng.

 

Các cử tri vui mừng trước chiến thắng của Đảng Cộng hòa Ảnh: REUTERS

Các cử tri vui mừng trước chiến thắng của Đảng Cộng hòa

Ảnh: REUTERS

 

Nhà Trắng tỏ dấu hiệu cho thấy ông Obama sẽ không có thay đổi lớn nào bất kể kết quả bầu cử. “Tổng thống vẫn tìm kiếm những đối tác tại Đồi Capitol, cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, sẵn sàng thúc đẩy những chính sách có lợi cho tầng lớp trung lưu” - người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest phát biểu hôm 4-11.

Ở chiều ngược lại, như Reuters chỉ ra, phe Cộng hòa cũng cần chứng tỏ họ đủ sức lãnh đạo sau khi bị chỉ trích vì khiến chính phủ đóng cửa trong cuộc chiến ngân sách năm ngoái. Điều này đóng vai trò quan trọng trong tham vọng “giành lại” Nhà Trắng của họ vào năm 2016.

Vấn đề cải cách nhập cư và chính sách năng lượng sẽ là phép thử đầu tiên cho khả năng thỏa hiệp giữa 2 bên. Cuối năm nay, ông Obama dự kiến ban hành các sắc lệnh hành pháp để cản trở việc trục xuất một số người nhập cư không có giấy tờ, đe dọa dẫn đến cuộc đối đầu với quốc hội mới.

Trong khi đó, phe Cộng hòa đang gây sức ép để tổng thống thông qua dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL xuyên quốc gia giữa Mỹ và Canada. Ông Jay Carney, cựu phát ngôn viên của ông Obama, tin rằng tổng thống Mỹ sẽ theo đuổi những ưu tiên của mình bất chấp thành phần quốc hội.

Điểm sáng thương mại

Không phải mọi thứ đều u ám với ông Obama. Chiến thắng của Đảng Cộng hòa có thể tiếp thêm sinh lực cho các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - đóng vai trò quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.

Quá trình đàm phán TPP giữa Mỹ với 11 nước không tiến triển nhanh như kỳ vọng, một phần vì phe Dân chủ xem hiệp định này không có lợi cho người lao động trong nước. Ngược lại, Đảng Cộng hòa có khuynh hướng ủng hộ TPP với lập luận nền kinh tế sẽ hưởng lợi từ việc tăng cường giao dịch với các đối tác.

Ông John Fortier, Giám đốc dự án dân chủ thuộc Trung tâm Chính sách lưỡng đảng, cho rằng thương mại cùng với cải cách thuế và chính sách đối ngoại là những nội dung mà ông Obama và quốc hội mới có thể tìm được tiếng nói chung. Dù vậy, AP nhận định những trở ngại vẫn còn đó, như việc sẽ có không ít thành viên Cộng hòa không muốn nhìn thấy chương trình nghị sự của một tổng thống Dân chủ thuận lợi.

Ngoài TPP, dư luận còn quan tâm đến việc nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ ra sao dưới sự lãnh đạo của một tổng thống Dân chủ và một quốc hội Cộng hòa. Theo báo The Straits Times, điều này phụ thuộc nhiều vào cách thức phe Cộng hòa sử dụng ảnh hưởng của mình trong quốc hội và liệu họ có kiểm soát được các thành viên nổi loạn trong nội bộ đảng hay không. Nếu những nghị sĩ Cộng hòa ôn hòa và thân thiện với doanh nghiệp thắng thế, đây sẽ là tin tốt cho nền kinh tế Mỹ.

Chính sách đối ngoại của ông Obama cũng sẽ bị soi gắt gao. Người ta đang chờ xem nhà lãnh đạo Mỹ có trở nên quả quyết hơn hay không sau khi bị chỉ trích là “yếu đuối” trong việc đối phó nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, dịch bệnh Ebola, cuộc khủng hoảng Syria...

Theo các cố vấn của ông Obama, chương trình hạt nhân của Iran và TPP sẽ là 2 trong số “những trận chiến lớn” mà ông quyết tâm giành chiến thắng để góp sức đưa một người thuộc Đảng Dân chủ khác lên kế nhiệm.

 

Quan hệ Nga - Mỹ thêm phức tạp

Nhận định về kết quả bầu cử ở Mỹ, bà Veronica Krasheninnikova, thành viên Phòng Xã hội Nga, cho rằng chiến thắng của Đảng Cộng hòa có thể khiến quan hệ 2 nước phức tạp hơn do chính sách của Đảng Cộng hòa đối với Nga cực đoan hơn. Mối quan hệ này ngày càng xấu đi sau khi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow vì cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo AP, Nga dự kiến không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân 2016 được tổ chức tại Mỹ - một đòn giáng mạnh vào sáng kiến của Tổng thống Obama - nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và nguyên liệu phóng xạ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo