Kết quả cuối cùng dự kiến được công bố trong vòng 11-12 ngày nữa. Nếu không có gì thay đổi, ông Erdogan sẽ được trao thêm nhiều quyền lực trong sự lo ngại và chỉ trích về nguy cơ xuất hiện chế độ độc tài.
Đáp lại, phe ủng hộ cải cách hiến pháp cho rằng theo sau một loạt vụ đảo chính, trong đó có cả vụ việc bất thành hồi tháng 7-2016, nước này cần có một chính phủ mạnh mẽ hơn để đối phó một loạt thách thức, như kinh tế khó khăn, cuộc nổi dậy của người Kurd, cuộc chiến chống khủng bố, cuộc xung đột ở nước Syria láng giềng.
Trở ngại trước mắt đối với nỗ lực thâu tóm thêm quyền lực của ông Erdogan là sự phản đối của phe đối lập. Họ cho rằng không phải tất cả phiếu bầu đã được đếm, đồng thời khẳng định sẽ đề nghị kiểm lại 2,5 triệu phiếu do nghi ngờ có gian lận. Tờ The Washington Post đưa tin 2 đảng đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ không chịu chấp nhận thất bại. Ông Ziya Meral, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích lịch sử và nghiên cứu xung đột (Anh), cảnh báo về tình trạng mất ổn định đang chờ Thổ Nhĩ Kỳ. “Tỉ lệ thắng thua sít sao và tranh cãi về phiếu bầu sẽ phá hỏng cảm giác chiến thắng của ông Erdogan khiến việc xử lý những gì xảy ra tiếp theo trở nên khó khăn” - ông Meral nói.
Về phương diện đối ngoại, kết quả trên có thể làm gia tăng rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu, xuất phát từ nỗi lo Ankara đang trượt dài về phía chế độ chuyên quyền. Không có gì khó hiểu khi lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng châu Âu thận trọng tiếp nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý cải cách hiến pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Với kết quả sát sao, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cần phải thận trọng xem xét những bước đi kế tiếp” - Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland khuyến cáo.
Bình luận (0)