Hồi đầu tuần này, bà Von der Leyen chỉ trích "năng lực lãnh đạo yếu kém" trong quân đội sau khi Trung úy Franco A. bị bắt vì tình nghi lên kế hoạch tấn công khủng bố theo tư tưởng bài ngoại và phân biệt chủng tộc.
Các nhóm binh sĩ cùng với các chính trị gia và lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong liên minh cầm quyền đã phản ứng gay gắt với chỉ trích trên và cho rằng chính bà Von der Leyen cũng phải chịu trách nhiệm về bê bối của quân đội sau 3 năm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Động thái xin lỗi của bà Von der Leyen được xem là để tránh gây chia rẽ và hạn chế tác động tiêu cực đối với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel trước thềm cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Liên bang Đức vào ngày 24-9.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen trong chuyến thăm tiểu đoàn bộ binh Jaeger 291 tại "Quartier Leclerc", nơi đóng quân của các đơn vị quân đội Pháp và Đức ở Illkirch-Graffenstaden gần Strasbourg - Pháp hôm 3-5. Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp với 100 tướng lĩnh và đô đốc quân đội được triệu tập vào ngày 4-5, bà Von der Leyen cũng đã thừa nhận rằng trước khi đưa ra những chỉ trích, đáng lẽ bà phải có những lời ghi nhận "sự phục vụ không thể thiếu được" của 250.000 người đang làm nhiệm vụ trong các lực lượng vũ trang.
Bà cũng bày tỏ quan ngại về một nền văn hóa đã cho phép nghi can tiếp tục sự nghiệp của mình bất chấp những tư tưởng phân biệt chủng tộc được thể hiện trong luận án thạc sĩ của người này, bên cạnh đó là sự thất bại trong việc xử lý triệt để những vụ lạm dụng tình dục trong quân đội.
Vụ bê bối mới này đã khiến cả giới chính trị và truyền thông lo ngại về nạn phân biệt chủng tộc trong quân đội và về cách làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng sau một một loạt các vụ bê bối gần đây cùng với sự chậm trễ và tốn kém trong các chương trình vũ khí hạng nặng.
Trong khi đó, Đảng Xanh đối lập đã cùng với Đảng Dân chủ Xã hội lên tiếng yêu cầu bà Von der Leyen ra điều trần trước Quốc hội vào tuần tới và động thái này càng làm tăng cao những nguy cơ chính trị trước thềm bầu cử vào tháng 9.
Trong một diễn biến có liên quan, các nhà lập pháp đã nói với tờ báo Freie Presse rằng Cục Phản gián quân sự Đức (MAD) đáng ra phải phát hiện từ trước rằng viên sĩ quan bị bắt chính là một nguy cơ tiềm tàng. Ông Andre Hahn, một thành viên thuộc Đảng Cánh tả và là Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tình báo Quốc hội Đức nhận định với tờ Freie Presse: "MAD không thể né tránh trách nhiệm trong chuyện này".
Bình luận (0)