Bà Suzuki là một trong rất ít người còn sống từng trải qua trận sóng thần theo sau trận động đất 8,1 độ Richter ở Nhật Bản vào năm 1933, trận sóng thần xảy ra ngay sau động đất mạnh 9,5 độ Richter năm 1960 ở Chile và cuộc tấn công vào những ngày cuối cùng trong thế chiến II. Ngả lưng trong phòng sau khi trận động đất mới nhất xảy ra, bà không mấy để ý đến cảnh báo sóng thần trên truyền hình mãi cho đến khi cậu con trai chạy về báo. Người con trai đã trèo lên ngọn đồi cao trong vùng để kiểm tra tình hình ở bờ biển.
Bà Teru Suzuki cầm trên tay bức ảnh người con trai Kazuo chết trong trận sóng thần năm 1960. Ảnh: REUTERS
Tay nắm chặt tay, hai mẹ con vòng ra sau nhà và chạy đến vùng đất cao hơn. Cả hai may mắn thoát khỏi thảm họa được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay ở Nhật Bản. “Trong đầu tôi chỉ quẩn quanh mỗi ý nghĩ đây là số mệnh. Bởi vì đã có 3 người thiệt mạng gần đó. Tôi chỉ nghĩ rằng không thể để thứ này giết mình được” - bà Suzuki thổ lộ. Với bà Suzuki, đây chưa phải là ký ức đau thương nhất, trận động đất năm 1960 ở Chile mới thật sự đẫm nước mắt. Người con lớn của bà, anh Kazuo, khi đó mới 20 tuổi, đã qua đời trong thảm họa sóng thần sau đó.
Nhật Bản là một xã hội già hóa nhanh nhất trên thế giới. Theo hãng tin Reuters, ở những vùng nông thôn như Ofunato thuộc tỉnh Iwate, người già chiếm số đông. Cho đến thời điểm này, giới truyền thông vẫn đưa tin nhiều người cao tuổi được giải cứu hoặc được đưa ra từ những đống đổ nát. Mặc dù số lượng cụ ông, cụ bà giảm ở các khu di tản sau khi một số người trở về nhà hay tìm được người thân vẫn có lo ngại về tình cảnh chung của người già và những người bị bệnh tật. Các nhóm cứu hộ lưu ý đến việc chuẩn bị tâm lý cho những người sống sót nhưng với những người cao tuổi, việc tái thiết sau thảm họa sẽ làm họ mạnh mẽ hơn.
Bình luận (0)