Tân Hoa Xã nói 37 ngư dân này bị bắt vào đêm 5-8, nhưng Sri Lanka sau đó tuyên bố các ngư dân này chưa bao giờ bị bắt vì họ chỉ được thuê làm việc trên hai tàu do người Sri Lanka làm chủ. Vụ việc được xem làm phép thử cho mối quan hệ đang hồi nồng ấm giữa Bắc Kinh và Colombo.
BBC dẫn lời người phát ngôn Kosala Warnakulasuriya của hải quân Sri Lanka cho biết số ngư dân trên đã được chuyển giao cho các nhà ngoại giao của Đại sứ quán Trung Quốc tại cảng Trincomalee. “Lỗi không thuộc về các ngư dân Trung Quốc. Hiện chúng tôi đang điều tra các chủ tàu người Sri Lankan” – ông Warnakulasuriya nói.
Vị trí chiến lược của Sri Lanka khiến đảo quốc này đang lọt vào "mắt xanh"
của Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ. Nguồn: BBC
Còn người phát ngôn cảnh sát Sri Lanka, ông Ajith Rohana, cho biết hai người Sri Lanka có liên quan đã được tòa án cho tại ngoại để điều tra tiếp. Theo cảnh sát, hai tàu cá trên tuy của Sri Lanka nhưng chỉ được cấp phép đánh bắt ngoài vùng biển Sri Lanka. Chúng bị bắt khi đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Sri Lanka.
Giới phân tích cho rằng ngư dân Trung Quốc ngày càng mở rộng phạm vi đánh bắt vì nguồn cá gần nhà đang cạn kiệt. Vụ việc lần này cho thấy Sri Lanka dường như muốn duy trí quan hệ đầy lợi ích với Trung Quốc. Đảo quốc này là một trong số ít các nước ven biển ở châu Á không có tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
Tại Sri Lanka, Trung Quốc đầu tư mạnh tay cho các bến cảng, hệ thống đường sắt và nhà máy điện. Bắc Kinh cũng hào phóng cho Colombo vay hàng trăm triệu USD để nâng cấp hạ tầng, trong đó có một sân bay mới và gần đây là cảng mới ở Hambantota trị giá 1,5 tỉ USD. Đó là chưa kể những hỗ trợ dành cho cho chính phủ Sri Lanka trong cuộc nội chiến với lực lượng Hổ Tamil trước đây.
Tuy Sri Lanka khẳng định quan hệ với Trung Quốc thuần túy mang tính thương mại nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng Bắc Kinh đang gầy dựng một cơ sở hải quân tại đây. Viễn cảnh này đang khiến Ấn Độ lo ngại, nhất là sau khi Bắc Kinh tuyên bố có kế hoạch đầu tư 50 tỉ USD để phát triển các cảng Sri Lanka trong 10 năm tới hồi tháng 4 vừa qua.
Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ ngày càng để mắt để Sri Lanka sau khi cuộc nội chiến kéo dài 25 năm ở nước này kết thúc vào năm 2009. Nằm trên Ấn Độ Dương, Sri Lanka ở ngay giữa nhiều tuyến thương mại Đông - Tây quan trọng, do đó có vị thế hết sức chiến lược cả về kinh tế và quân sự.
Bình luận (0)