Hôm 16-12, ông Wickremesinghe tuyên thệ, trở lại nắm giữ chức Thủ tướng Sri Lanka sau khi bị Tổng thống Sirisena sa thải hồi cuối tháng 10. Theo AP, buổi lễ không được tổ chức công khai và chỉ có sự tham gia của một vài nhà lập pháp. Giới truyền thông không được phép tham dự sự kiện này.
Phát biểu trên truyền hình sau buổi lễ, Tổng thống Sirisena bày tỏ hoài nghi về khả năng hợp tác giữa ông và ông Wickremesinghe. "Với những vấn đề mà chúng ta có, tôi không chắc điều gì có thể đảm bảo rằng chúng ta có thể cùng nhau đi trên hành trình này" – Tổng thống Sirisena nói với Thủ tướng Wickremesinghe và các nhà lập pháp, đồng thời khẳng định với họ rằng ông không tìm thấy bất cứ ai "liêm chính" để giúp ông đưa đất nước đi lên.
Trong khi đó, phát biểu sau buổi lễ nhậm chức tại nhà riêng của mình, Thủ tướng Wickremesinghe không đáp trả Tổng thống Sirisena, chỉ nói với đám đông ủng hộ rằng: "Bây giờ, tôi sẽ đảm đương chức vụ thủ tướng. Không may, trong suốt nhiều tuần qua, sự tiến triển của đất nước cũng như các dự án phát triển đã bị hoãn. Thậm chí, quốc gia của chúng ta đã tụt lại. Hôm nay, chúng tôi cam kết trước tiên là sẽ đưa đất nước trở lại bình thường và bắt đầu trở lại chương trình phát triển".
Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena (trái) và ông Ranil Wickremesinghe - người vừa tuyên thệ, trở lại chức Thủ tướng sau khi bị sa thải vào cuối tháng 10. Ảnh: Reuters
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 16-12, Tổng thống Sirisena cũng tiết lộ các lý do ông sa thải Thủ tướng Wickremesinghe cách đây chưa đầy 2 tháng, chẳng hạn không tích cực hỗ trợ cuộc điều tra có dính dáng đến cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, một người bạn thân của ông Wickremesinghe.
Tổng thống Sirisena cũng chỉ trích ông Wickremesinghe trong quá trình điều tra hành vi sai trái của binh lính trong cuộc nội chiến dai dẳng kết thúc vào năm 2009. Tổng thống Sirisena khẳng định ông Wickremesingh chỉ bắt giam binh sĩ chính phủ nhưng lại không tìm cách truy tố các cựu phiến quân Hổ Tamil đang trốn tại nước ngoài.
"Quan điểm của tôi là chúng ta nên truy tố tất cả mọi người, còn không thì chúng ta nên thương lượng với cộng đồng quốc tế để binh lính của chúng ta không bị buộc tội" – ông Sirisena khẳng định.
Những phát biểu của Tổng thống Sirisena cho thấy bế tắc chính trị tại Sri Lanka còn lâu mới được vãn hồi.
Hôm 15-12, ông Mahinda Rajapaksa từ chức thủ tướng nước này. Ông này từng là cựu tổng thống Sri Lanka từ 2005-2015 và mở cửa ồ ạt cho các khoản đầu tư hạ tầng từ Trung Quốc dẫn tới nợ nần nặng nề. Ông được Tổng thống Sirisena bổ nhiệm làm thủ tướng hôm 26-10 trong một động thái gây tranh cãi sau khi sa thải Thủ tướng Wickremesinghe.
Bình luận (0)