Giới chức quân sự Mỹ đã đề ra những yêu cầu chi tiêu mới nhằm gia tăng năng lực răn đe trước Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong báo cáo trình lên quốc hội vào đầu tháng này, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM) yêu cầu được cấp thêm 27 tỉ USD cho giai đoạn 2022-2027, trong đó riêng tài khóa 2022 là 4,6 tỉ USD.
Với một vài thay đổi then chốt so với đề xuất năm ngoái, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của các hệ thống vũ khí và cơ sở hạ tầng mới, cũng như chiến lược hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với các nước đồng minh và đối tác nhằm ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Báo cáo còn đề xuất khoản chi 3,3 tỉ USD phát triển hệ thống tên lửa tầm xa phóng từ đất liền với tầm bắn hơn 500 km, tạo thành mạng lưới tấn công dọc chuỗi đảo thứ nhất, trải dài từ Triều Tiên qua Nhật Bản đến Đông Nam Á và Đài Loan (Trung Quốc), để bảo vệ máy bay và tàu trong khu vực.
Trực thăng MH-60R Sea Hawk được triển khai từ tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan trong một sứ mệnh trên biển Đông năm 2020 Ảnh: REUTERS
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phát tín hiệu về một hướng tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc. Trong phiên điều trần xác nhận đề cử hồi tháng rồi trước Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhấn mạnh Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu của Lầu Năm Góc, đồng thời mô tả Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương là "công cụ hữu dụng" mà ông sẽ hợp tác với quốc hội để triển khai.
Còn với nước Đức, các quan chức trong Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước này hôm 2-3 thông báo một tàu khu trục Đức sẽ được triển khai đến châu Á vào tháng 8 năm nay, trở thành chiến hạm đầu tiên của quốc gia này đi qua biển Đông kể từ năm 2002.
Tại Pháp, theo báo South China Morning Post, tàu tấn công đổ bộ Tonnere cùng tàu khu trục Surcouf cũng đã rời cảng Toulon để đến Thái Bình Dương trong một sứ mệnh kéo dài 3 tháng. Theo kế hoạch, 2 chiến hạm của Pháp sẽ đi qua biển Đông 2 lần và tham gia tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5 tới.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Nick Carter mới đây cũng đã tuyên bố chiến lược quốc phòng của London sẽ nghiêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Hải quân Hoàng gia Anh sẽ hiện diện thường xuyên hơn trong thời gian tới.
Cũng theo ông Carter, sau quá trình đánh giá chính sách quốc phòng và ngoại giao, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson sẽ xác định mức độ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực nhằm đối phó thách thức chiến lược gia tăng từ Trung Quốc.
Hải quân Hoàng gia Anh đã lên kế hoạch triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Đông Á vào cuối hè này để tập trận chung với Hải quân Nhật Bản, qua đó thắt chặt quan hệ an ninh song phương giữa lúc Trung Quốc ngày càng lấn tới trên biển Hoa Đông lẫn biển Đông.
Bình luận (0)