Theo Reuters, sứ mệnh nói trên của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) dự kiến kéo dài ít nhất 6 năm và có kinh phí khoảng 1,4 tỉ USD.
Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy Falcon 9 của Công ty SpaceX (Mỹ), Euclid dự kiến đến điểm đích trên quỹ đạo Mặt trời, cách trái đất gần 1,6 triệu km. Hành trình này dự kiến kéo dài 1 tháng.
Phóng tàu vũ trụ Euclid tại Trạm vũ trụ Cape Canaveral, bang Florida - Mỹ hôm 1-7 Ảnh: NASA
Dữ liệu thu thập từ sứ mệnh này được kỳ vọng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự phát triển của "vũ trụ tối", gồm 2 yếu tố cơ bản là vật chất tối và năng lượng tối.
Cụ thể, một kính viễn vọng sẽ được sử dụng để khảo sát các thiên hà cách xa trái đất đến 10 tỉ năm ánh sáng. Ngoài ra, một số công cụ khác được thiết kế để đo cường độ và phổ ánh sáng hồng ngoại từ các thiên hà trên, qua đó xác định chính xác khoảng cách của chúng.
Euclid hoàn toàn do ESA thiết kế và xây dựng. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cung cấp một số công cụ khoa học cho Euclid.
Bà Nicola Fox, một quan chức NASA, nhận định bằng cách nghiên cứu "mặt tối" của vũ trụ, Euclid không chỉ mở đường cho kính viễn vọng không gian Roman của NASA mà còn mở ra kỷ nguyên vàng cho thiên văn học, hứa hẹn giúp con người hiểu biết thêm về lịch sử và cấu trúc vũ trụ.
Trong khi đó, Giám đốc khoa học của ESA Carole Mundell tự tin tuyên bố sứ mệnh này sẽ giúp làm sáng tỏ những bí ẩn của "vũ trụ tối".
Bình luận (0)