xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sự thật về Bao Công: Bi kịch mộ phần

Thiên Tường

Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Bao Công bị xem là đáng trừng trị hơn tham quan vì đã “ủng hộ, duy trì chế độ phong kiến”, bị xếp vào loại “ngưu quỷ xà thần” phải quét sạch

TP Hợp Phì, tỉnh An Huy vốn là cổ thành Lư Châu, nổi danh từ thời Tam quốc. Vùng Đại Hưng Tập cách phía Đông Nam TP Hợp Phì 15 km trước đây có một gò cao, tùng bách rợp trời nổi bật trên vùng đất đỏ bằng phẳng rộng rãi, gọi là Hoàng Nê Khảm. Đây chính là nơi yên nghỉ của Bao Công cùng phu nhân, vợ chồng của con và cháu.

Nhất lý tam công

Ngôi mộ lớn nhất nằm giữa Hoàng Nê Khảm được cho là mộ hợp táng của Bao Công, đắp cao hơn 5 m, rộng 10 m. Các mộ còn lại nằm bao quanh theo thế “chúng tinh chầu nguyệt”, cao trung bình 2-3 m.

Theo Tống sử, Bao Công qua đời ngày 24-5-1062 ở tuổi 64 khi đang giữ chức vụ Khu mật Phó sứ (tương đương với phó tể tướng, hàm nhị phẩm) tại kinh thành Khai Phong. Khi ông mất, vua Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, ban thụy hiệu là “Hiếu Túc” và chôn tạm, năm sau mới đưa về quê cũ Lư Châu an táng và lập từ đường thờ phụng theo đúng quy chế của triều Tống.

 

Hiện trường khai quật khu mộ Bao Công vào năm 1973. (Ảnh tư liệu của tác giả)
Hiện trường khai quật khu mộ Bao Công vào năm 1973. (Ảnh tư liệu của tác giả)

 

Gần khu mộ Bao Công còn có 2 ngôi mộ bề thế. Một là của Khai quốc công thần, Thái Quốc Công Trương Đắc Thắng, đại tướng của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Mộ còn lại là của Lý Hồng Chương, đại thần nhà Thanh, người từng nắm toàn quyền quân sự, nội chính, ngoại giao, khi mất được truy tặng hàm Thái phó, ban tên thụy là “Văn Trung” nên được tôn xưng là Lý Văn Trung Công.

Phần mộ của 3 danh nhân lịch sử này đều nằm tại Hoàng Nê Khảm trong phạm vi chưa đến 1 km2, đây là hiện tượng chưa từng có trong quốc thổ Trung Hoa nên người dân rất tự hào gọi nơi này là “Nhất lý tam công”.

Năm 1958, cuộc “Đại nhảy vọt” bắt đầu, cả Trung Quốc là một đại công trường với hằng hà lò luyện thép để có thể trong 15 năm sản lượng thép Trung Quốc qua mặt nước Anh.

Hoàng Nê Khảm nằm trong đội sản xuất Song Vu, hợp tác xã Đại Hưng. Khi Nhà máy luyện thép Hợp Phì mở rộng xưởng thứ hai thì khu mộ Lý Hồng Chương bị phá hủy. Do mộ đúc gạch, xi-măng rất chắc nên người ta đã đào một cái rãnh trước mộ rồi luồn đến tận đáy. Trong mộ có những gì đáng tiền thì đem bán để mua sắt thép, quan tài thì kéo lên đập ra.

Do thi hài của Lý Hồng Chương chưa phân hủy hết, bị người ta dùng dây cột vào cổ kéo ra quốc lộ phơi suốt 3 ngày. May mà con cháu của Lý Hồng Chương thừa lúc đêm tối đã lén đem thi hài về chôn. Tiếp đó, xưởng luyện thép số 2 lại xây dựng một nhánh đường sắt nội bộ. Lần này phần mộ của Thái Quốc Công Trương Đắc Thắng bị phá hủy không thương tiếc.

Kiếp nạn

Khu mộ Bao Công vốn được xếp là Di sản văn hóa cấp tỉnh từ năm 1956 nên được tạm yên. Nhưng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, đến tháng 8-1966, cuộc Cách mạng văn hóa bùng lên, phong trào “Phá tứ cựu, lập tứ tân” lan rộng khắp Trung Quốc.

“Phá tứ cựu” là phá bỏ 4 cái cũ gồm: tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ. Mục tiêu để các đội Hồng vệ binh trút cơn cuồng nộ là từ đường, gia phả, đền miếu, phần mộ của các danh nhân. Bao Công - vị quan thanh liêm tiêu biểu - bị xem là đáng trừng trị hơn tham quan vì đã “ủng hộ, duy trì chế độ phong kiến”, bị xếp vào loại “ngưu quỷ xà thần” phải quét sạch.

Từ đường của Bao Công gọi là “Bao Hiếu Túc Công từ” nằm trong khu Bao Hà, TP Hợp Phì là một quần thể kiến trúc cổ được xây dựng từ năm 1488, được vua ban chế độ “ân sinh” (phụng tự quan) thế tập, con cháu dòng trưởng đời đời hương hỏa tế tự. Đây là thánh địa của hậu duệ Bao Công, là nơi Bao Công sinh trưởng, còn gọi là Bao Đôn hoặc Hương Hoa Đôn.

Hằng năm, các quan đầu phủ Lư Châu đều về đây làm lễ bái yết Bao lão gia. Nơi đây từng bị đạn pháo của quân Thái Bình thiên quốc tàn phá, được Lý Hồng Chương quyên góp 2.800 lượng bạc trắng tu sửa. Thế nhưng, chỉ trong chốc lát, tất cả đã tan tành.

Từ đường trở thành nhà nấu ăn của hợp tác xã, từ trong ra ngoài bị đập phá sạch. Bia đá, hoành phi, liễn đối, tượng Vương Triều, Mã Hán… quý giá đều nát vụn. Bức tượng Bao Công được làm từ gỗ đàn hương, lớn như người thật, bị các Hồng vệ binh dùng dao chém nát, kéo bỏ ngoài rãnh. Đáng tiếc nhất là bộ gia phả “Bao thị tông phổ” và bức họa truyền thần Bao Công lúc sinh tiền được truyền từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Dân quốc đã bị treo lên cây đốt cháy thành tro.

Bức họa này cực quý, lớn bằng người thật, mỗi năm vào ngày 30 Tết mới treo trong từ đường để con cháu các đời họ Bao lễ bái theo thứ tự. Ân sinh cuối cùng được giữ bức họa và gia phả là Bao Tiên Hải, hậu duệ đời thứ 35 của Bao Công.

Sau năm 1949, đền thờ Bao Công do nhà nước quản lý, thuộc Công viên Bao Hà, chế độ ân sinh bãi bỏ. Bức họa Bao Công từng được đưa vào Tử Cấm Thành triển lãm, nhờ đó còn giữ được tấm ảnh chụp lại. Về sau, Bao Tiên Hải trao bức họa và gia phả cho con gái là Bao Huấn Chi cất giữ, cuối cùng bị Hồng vệ binh lục soát nhà tìm thấy, đem ra đốt sạch.

 

Phá mộ để trồng trọt

Đơn vị chủ quản khu lăng mộ Bao Công là Viện Bảo tàng tỉnh An Huy đã được đổi tên thành “Nhà triển lãm tư tưởng Mao Trạch Đông thắng lợi vạn tuế” (Vạn tuế quán) cũng bị Hồng vệ binh thiêu hủy nhiều thư tịch cổ; cán bộ văn xã hầu hết bị bắt đi lao động chân tay ở vùng sâu. Việc giữ gìn phần mộ Bao Công là không thể. Năm năm trước đó, nơi này đã bị đào trộm, địa cung bị phá nghiêm trọng. Bốn phía xung quanh người ta chiếm đất canh tác vào tận trong khu mộ.

Hậu duệ Bao Công cho biết trước kia có mộ của Vương Triều nằm trong khu này nhưng đã bị phá hủy hoàn toàn để trồng trọt. Sau khi Bao Công qua đời, Trương Long, Triệu Hổ và Mã Hán lang bạt giang hồ; riêng Vương Triều ở lại thủ mộ chủ. Sau khi Vương Triều mất, được con cháu Bao Công thờ như người nhà.

 

Kỳ tới: Quật mộ Bao Công

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo