Chuyện cũ kể lại.- Người kể lại câu chuyện bí ẩn là ông Stanislav Petrov, 64 tuổi, một trung tá quân đội Liên Xô trước đây, đã nghỉ hưu về sống đời thường. Ông Petrov sống tại một thị trấn nghèo ở ngoại ô Moscow với lương hưu hằng tháng 180 USD (2,8 triệu VNĐ) mà khoản chi cho thuốc lá và rượu vodka chiếm phần không nhỏ. Hằng ngày ông Petrov đi dạo trong công viên với chú chó nhỏ thân thiết. Chẳng ai để ý đến ông vì không hề biết ông có một chiến tích phi thường: Cứu cả thế giới khỏi một thảm họa.
Năm 1983, vị anh hùng bị quên lãng Petrov làm việc tại một trung tâm cảnh báo của quân đội Liên Xô ở ngoại ô Moscow điều khiển hệ thống vệ tinh định vị các hầm ngầm chứa tên lửa của Mỹ. Ngày 26-9-1983, trung tá Petrov vừa ngồi vào ghế chỉ huy thì nhận được tín hiệu báo Mỹ đã phát động cuộc tấn công tên lửa hạt nhân chống Liên Xô. Hơn 30 cuộc kiểm tra trên máy vi tính đều xác nhận có cuộc tấn công. Chỉ có không đến 10 phút căng thẳng thần kinh để thẩm định hiểm họa, nhưng ông Petrov tin vào trực giác của mình, xác định tín hiệu báo động là giả. Ông kể: “Khi đó tôi toát cả mồ hôi. Mọi người la hét, chuông báo động rung liên hồi. Nhưng một ý nghĩ trong tôi mách bảo rằng có gì đó trục trặc”.
Đúng là trục trặc thật. Mấy tuần sau, người ta phát hiện một vệ tinh thám thính bị trục trặc. Trung tá Petrov đã loại bỏ được một thảm họa hạt nhân khủng khiếp.
Hơn 20 năm sau, chiến công đó hoàn toàn bị lãng quên, không người Nga nào được biết. Một ủy ban các sĩ quan cao cấp đã thẩm vấn ông Petrov sau khi vụ việc xảy ra và ông đã bị kỷ luật vì đã không ghi chép tình huống vào sổ trực ban. Vài tháng sau, ông Petrov giải ngũ.
Hành động quyết đoán dũng cảm của trung tá Petrov vẫn là một bí mật cho đến giữa thập kỷ 90 khi một số nhà báo Nga tìm đến ông moi chuyện và tung ra một vài bài báo hời hợt. Kể từ đó ông Petrov sống như ẩn dật.
“Nếu chỉ sử dụng bộ óc, tôi phải báo cáo cuộc tấn công của Mỹ là có thực. Nhưng trực giác mách bảo tôi rằng không có điều đó. Vì vậy tôi báo cáo cuộc tấn công là giả... Tôi đã làm tròn trách nhiệm của một sĩ quan quân đội Xô viết”. Trung tá về hưu Stanislav Petrov |
Chịu bất công.- Hiện nay, cũng như nhiều cán bộ Nga về hưu khác, ông Petrov sống khá đạm bạc nếu không nói là nghèo, âm thầm chịu đựng sự đối xử bất công.
Có lẽ suốt đời ông Petrov không thể nào quên cái đêm định mệnh 26-9-1983. Trong căn phòng lớn của Trung tâm Cảnh báo Serpukhov-15 ở phía Nam Moscow, ông Petrov ngồi trực ban cùng với một đội ngũ nhân viên trực máy vi tính. Trên tường tấm bản đồ thế giới vẽ chi tiết Mỹ và Liên Xô nhấp nháy đèn tín hiệu xanh.
Không khí trong phòng chỉ huy khá nặng nề, ông Petrov đã quá quen thuộc. Ba tuần trước, quan hệ Xô - Mỹ trở nên căng thẳng sau khi Liên Xô bắn rơi chiếc máy bay của hãng hàng không Korean Airlines bay lạc vào bầu trời Liên Xô, làm thiệt mạng toàn bộ 269 hành khách và tổ lái máy bay. Bỗng thời khắc khủng khiếp nhất đã điểm. Tiếng chuông réo và nút đỏ lóe lên lệnh “Tấn công”.
Ngồi trong căn phòng bài trí đơn sơ ở thị trấn Fryazino, ngoại ô Moscow, bên cạnh anh con trai, ông Petrov nhớ lại: “Tín hiệu thứ nhất báo động 1 tên lửa Mỹ đã được phóng lên. Vài giây sau đó lại báo có 5 tên lửa nữa đã được phóng. Lập tức, hàng loạt cuộc kiểm chứng của máy tính vào cuộc. Tất cả xác nhận cuộc tấn công của Mỹ là thực. Toàn bộ nhân viên dưới quyền trung tá Petrov đứng bật dậy khi đèn báo tập trung vào một địa điểm duy nhất trên bản đồ là nước Mỹ với mệnh lệnh “Tấn công”. Ông Petrov nói: “Tôi phải quát to buộc mọi người im lặng”.
Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman của Mỹ phải mất gần nửa giờ mới vượt Đại Tây Dương tới được Nga. Khi đó, một thông điệp phải được gửi gấp tới Bộ Chỉ huy cảnh báo để kịp thời báo cáo lãnh đạo tối cao Yuri Andropov hạ lệnh tấn công trả đũa Mỹ. Trung tá Petrov chỉ có 9 phút cân nhắc để quyết định. Ông một tay cầm máy điện thoại báo cáo với cấp trên, một tay bấm hệ thống liên lạc chỉ đạo 240 nhân viên dưới quyền ở trung tâm. Ba phút như muốn nín thở.
“Nếu chỉ sử dụng bộ óc, tôi phải báo cáo cuộc tấn công của Mỹ là có thực. Nhưng trực giác mách bảo tôi rằng không có điều đó. Và tôi nghĩ rằng nếu Mỹ sắp phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân thì không thể xuất phát từ bước khởi động chỉ với 5 tên lửa. Vì vậy tôi báo cáo cuộc tấn công là giả”. Ông Petrov nói với vẻ tự tin.
Báo cáo đó của ông Petrov làm cho mọi ý nghĩ tấn công trả đũa xẹp hẳn. Nhưng vẫn có những giây phút đau đớn chờ đợi cho đến khi không có tên lửa nào của Mỹ phóng tới Liên Xô. Khi mọi người cuối cùng hiểu ra cơn ác mộng hạt nhân đã tránh được, ông Petrov được các đồng nghiệp nhiệt liệt chúc mừng. Tiếc thay, một ủy ban đặc biệt được thành lập vài tuần sau đó để điều tra làm rõ trắng đen vụ việc lại làm cho người ta thất vọng. Nhiều giờ thẩm vấn rồi thôi. Không một lời khen cũng chẳng có nửa câu cảm ơn.
Sai lầm tai hại.- Cuộc điều tra kết luận rằng các vệ tinh thám thính săn tìm bệ phóng tên lửa đã lầm các tia nắng mặt trời lóe ra từ những đám mây là chớp phóng tên lửa! Kể lại chi tiết này, ông Petrov tỏ ra buồn: “Nếu họ thưởng công cho tôi, hóa ra họ phải thừa nhận kỹ thuật (thám thính) của vệ tinh quá tồi tệ. Mà người ta đâu muốn thừa nhận như thế”. Nhưng ông không vì thế mà oán trách bị đối xử không công bằng: “Tôi chỉ cố hết sức làm tròn trách nhiệm của mình, một sĩ quan quân đội Xô viết. Tôi trước sau vẫn nói với mọi người như thế”.
Hai chục năm sau, các chuyên gia càng tin vào ý nghĩa lớn lao của nhận định sáng suốt do ông Petrov đưa ra đêm 26-9-1983. Bruce Blair, Giám đốc Trung tâm Thông tin phòng thủ của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói: “Đêm đó gần như chúng tôi sắp phải đương đầu với một cuộc chiến tranh hạt nhân ngẫu nhiên nổ ra”.
Có lẽ điều có ý nghĩa là từ “sự kiện Petrov”, nhiều nhà phân tích tỏ ra băn khoăn không biết sự kiện báo động giả tương tự có xảy ra nữa không trong tình hình hiện nay khi hệ thống thiết bị cảnh giới từ thời Xô viết vẫn đang tồn tại sau nhiều thập kỷ vận hành. Băn khoăn là có cơ sở. Vì theo chuyên gia vũ khí hạt nhân Jon Wolfsthal của tổ chức Carnegie vì hòa bình quốc tế, có trụ sở tại Washington, “hiện nay có 30% chân trời nước Nga thiếu phủ sóng vệ tinh thám thính bệ phóng tên lửa của đối phương. Đây là sơ hở quá rõ dễ dẫn đến một tín hiệu giả hoặc xảy ra những tình huống có thể khiến một vị tổng thống Nga tin rằng một cuộc tấn công tên lửa hạt nhân của Mỹ sắp được phát động. Quả thật, chúng tôi rất lo ngại về khả năng rủi ro này”.
Bình luận (0)