Một loạt diễn biến trong những ngày sắp tới có thể tác động không nhỏ đến thị trường dầu đang có nhiều biến động về giá. Hôm 1-12, các nước Liên minh châu Âu (EU) tạm thời nhất trí về mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Biện pháp của EU còn bao gồm cơ chế điều chỉnh để giữ mức trần thấp hơn giá thị trường 5%. Ngoài ra, theo một tài liệu của EU, trần giá này sẽ được xem xét vào giữa tháng 1-2023 và sau đó sẽ được xem xét tiếp mỗi 2 tháng một lần.
Bước đi này nhằm đánh giá xem biện pháp này hoạt động ra sao và phản ứng với những biến động có thể xảy ra trên thị trường dầu mỏ.
Theo Reuters, biện pháp trên của EU cần được chính phủ tất cả thành viên phê chuẩn bằng văn bản trong ngày 2-12. Nếu được thông qua, việc áp giá trần dự kiến có hiệu lực vào ngày 5-12 nhằm thay thế đề xuất được EU đưa ra hồi tháng 6, theo đó cấm mua dầu thô Nga.
Mục đích của động thái áp giá trần là giảm nguồn thu từ dầu của Moscow, đồng thời ngăn nguy cơ giá dầu toàn cầu leo thang trong trường hợp lệnh cấm vận dầu thô Nga vẫn được duy trì và thực thi.
Một tàu chở dầu ở gần TP Nakhodka - NgaẢnh: Reuters
Trong khi đó, mức giá trần được G7 (Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới) đề xuất đối với dầu Nga là 65-70 USD/thùng và không có cơ chế điều chỉnh. Giới chức G7 hy vọng họ sẽ sớm đạt được thỏa thuận về vấn đề này.
Trang Bloomberg nhận định nếu mức giá trần quá thấp, Nga có thể hiện thực hóa lời đe dọa chấm dứt khai thác dầu, khiến giá dầu toàn cầu bị đẩy lên cao.
Tuy nhiên, một số nước EU, như Ba Lan, Lithuania và Estonia lo ngại một mức giá trần cao có thể không giúp ích cho mục tiêu chính đề ra là ngăn Nga có tiền trang trải cho cuộc xung đột ở Ukraine. Theo Reuters, dầu thô Urals của Nga được giao dịch quanh 70 USD/thùng hôm 1-12.
Phản ứng trước ý tưởng áp trần giá dầu, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hôm 1-12 khẳng định Moscow không bận tâm đến chuyện này, đồng thời cho biết Nga sẽ thương thảo trực tiếp với các đối tác như Ấn Độ và Trung Quốc.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo việc đưa ra cơ chế hạn chế giá dầu Nga có thể làm phức tạp thêm tình hình các thị trường toàn cầu và tác động tiêu cực đến mọi người.
Riêng Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nhấn mạnh Moscow sẽ không cung cấp dầu thô hoặc sản phẩm dầu cho các quốc gia áp đặt giá trần.
Một sự kiện khác cũng có thể tác động mạnh đến thị trường dầu là cuộc họp trực tuyến của OPEC+ (liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nhà sản xuất bên ngoài) trong ngày 4-12.
Theo giới phân tích, các thành viên nhóm này có thể quyết định cắt giảm thêm sản lượng để đối phó nhu cầu sụt giảm của Trung Quốc và tác động tiềm tàng của các biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu Nga trong thời gian tới.
Vào đầu tháng 10, OPEC+ nhất trí giảm 2 triệu thùng/ngày trong tháng 11 bất chấp Mỹ kêu gọi nhóm này tăng sản lượng để giúp hạ nhiệt giá nhiên liệu và giúp nền kinh tế toàn cầu.
Bình luận (0)