xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sức ép cải cách

ĐẶNG VĂN THUẬN

Sau các vụ tham nhũng trong quân đội gây rúng động, Trung Quốc đã cải cách, chỉnh huấn mạnh, theo đó, sĩ quan quân đội từ nay chủ yếu dựa vào thu nhập tiền lương, không thể có cái gọi là thu nhập khác...

Đã có lúc chính trường Trung Quốc xảy ra chuyện lãnh đạo nào không nắm giữ quân đội hoặc có quan hệ thân cận với quân đội thì phải nắm trong tay những tập đoàn kinh tế nhà nước hùng mạnh, trong đó không thể thiếu các tập đoàn kinh tế của quân đội.

Sợ mất tập trung vào nhiệm vụ chính

Trong số các doanh nghiệp quân đội Trung Quốc, phải kể đến 10 đại tập đoàn như Công ty Tập đoàn Khoa học công nghiệp Hàng Thiên, Tập đoàn Công nghiệp hàng không, Tập đoàn Công nghiệp binh khí, Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật điện tử... Những tập đoàn này chẳng những giúp cách tân quân đội Trung Quốc trong việc phát triển những khí tài hiện đại, chinh phục không gian mà còn đem về nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỉ USD. Chính vì thế, các ông chủ (là những vị tướng, tá) của tập đoàn quân đội này có đầy sức mạnh, có ảnh hưởng lớn đến sinh mạng chính trị của nhiều quan chức cấp cao khác, ngay cả với người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Chẳng những thế, doanh nghiệp quân đội Trung Quốc cũng tham gia vào các lĩnh vực dân doanh lấn át các khối doanh nghiệp khác. Gần như ở cả các lĩnh vực chủ chốt mà kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, quân đội đều chiếm tỉ trọng lớn như xây dựng, điện lực, tài chính, khai khoáng... Điều này làm cho các thành phần kinh tế khác, kể cả các doanh nghiệp nhà nước không phải của quân đội, cũng cảm thấy thua thiệt và bị đe dọa, bị cạnh tranh trong thế bất lợi.


Ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc đến nền kinh tế nước này sẽ vơi giảm. Ảnh: GETTY

Ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc đến nền kinh tế nước này sẽ vơi giảm. Ảnh: GETTY

Vì lẽ đó, việc cải cách và cấm quân đội làm kinh tế không chỉ để giảm tham nhũng, đưa quân đội trở về với nghĩa vụ và công năng vốn có mà còn là biện pháp giúp giảm ảnh hưởng của quân đội tới chính trường cũng như bảo đảm tính chính danh và sinh mệnh chính trị của các nhà lãnh đạo. Và câu hỏi liệu quân đội có còn sức chiến đấu hay trung thành khi họ một tay vẫn giữ vali tiền, một tay lo tìm hợp đồng mới, vậy tay nào cầm súng?

Sức ép từ trong nước rất lớn nên cải cách không còn là việc phải làm mà cần làm và làm gấp. Cải tổ với tham vọng giữ quân đội đi đúng theo đường lối của đảng lãnh đạo và định hình lại cấu trúc, tổ chức quân đội của Trung Quốc cũng như giúp bản thân nhà lãnh đạo Tập Cận Bình củng cố quyền lực bao trùm của mình.

Quốc tế phản ứng

Hơn 10 năm qua, nhất là vài năm gần đây, ngoài việc bị các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Canada cáo buộc quân đội Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu quốc phòng và kinh tế, công nghiệp, Bắc Kinh cũng nhận không ít lời ta thán và sự trừng phạt từ các nước vì để doanh nghiệp quân đội vươn vòi ra quốc tế.

Trung Quốc đang nổi lên như là một cường quốc xuất khẩu công nghiệp quốc phòng lớn. Đối thủ chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong sự trỗi dậy này chính là Nga khi ngày càng có nhiều khách hàng truyền thống của Nga đã chọn Trung Quốc làm nhà thầu cung cấp máy bay chiến đấu, xe tăng, tên lửa... Ngay cả các cường quốc xuất khẩu công nghiệp quốc phòng như Mỹ, Pháp, Anh, Israel, Đức cũng cảm thấy thị trường có thêm một đối thủ lớn và đang tiếp tục lớn, đồng nghĩa rằng vị thế thị trường của mình bị đe dọa. Không ít báo cáo của các nước kể trên đã chỉ trích Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ doanh nghiệp quốc doanh được nhà nước hậu thuẫn mà các công ty cổ phần tư nhân cũng đều có bóng dáng sự hỗ trợ của nhà nước hoặc có gốc tích từ quân đội.

Chưa hết, ngoài những chỉ trích về sự cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp, nhà thầu Trung Quốc cũng gây lo ngại về an ninh khi nhiều nhà thầu nước này có bóng dáng quân đội phía sau, đơn cử như trong công nghiệp xây dựng, viễn thông. Với những thành công về việc xây dựng các bến cảng hiện đại, các dự án cao tốc và đường sắt, viễn thông, thông tin, doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu nhiều dự án xây dựng không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn tại các quốc gia phát triển.

Và thật khó để chối bỏ rằng các nhà thầu Trung Quốc đã đạt được thành công là nhờ thừa hưởng các thành quả của doanh nghiệp quân đội từ công nghệ, máy móc đến nhân công “nước sông công lính” giá rẻ. Có thể kể đến các vụ việc điển hình như Mỹ không cho Tập đoàn Huawei, vốn do một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc lập nên và nhận được nhiều ưu đãi từ Bắc Kinh, mua lại Công ty 3Com Corporation của Mỹ hay vụ một cơ quan liên ngành gọi là Hội đồng về đầu tư nước ngoài của Mỹ điều tra về việc Công ty Viễn thông Sprint Nextel của nước này chọn Huawei làm nhà thầu cung cấp thiết bị. Dù Bắc Kinh có nhiều lần phản bác với lập luận rằng Huawei là một công ty tư nhân nhưng khó thể biện bác được sự liên quan của tập đoàn này với quân đội và nhà nước Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh phải cải tổ để cho quân đội về làm đúng chức năng cũng là chiến lược giúp quân đội Trung Quốc tăng cường sức mạnh và cạnh tranh với các cường quốc trên thế giới.

Cải cách như thế nào?

Câu hỏi cải cách như thế nào cũng là vấn đề gây không ít tranh luận và đầy khó khăn. Cải cách bằng mệnh lệnh nửa vời của Giang Trạch Dân đã thất bại, liệu Tập Cận Bình có lặp lại sai lầm đó? Trong bản báo cáo trình lên hội nghị Quân ủy trung ương Trung Quốc hồi cuối năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy ông đã chuẩn bị khá kỹ càng cho chiến lược cải cách lần này chứ không bằng quyết tâm hay khẩu hiệu suông. Bản kế hoạch cải cách không cho quân đội (và cả công an) làm kinh tế được vạch ra theo lộ trình trong 3 năm.

Tập Cận Bình nêu thẳng rằng quân đội, sĩ quan quân đội từ nay chủ yếu dựa vào thu nhập tiền lương, không thể có cái gọi là thu nhập khác. Quân đội không được ký kết các hợp đồng kinh tế mới, trong 3 năm tới dần rút ra khỏi các hoạt động thu tiền như một doanh nghiệp mà phải trở về bổn phận làm rường cột cho sức mạnh chiến đấu của quốc gia.

Bản kế hoạch này được truyền thông Trung Quốc và không ít nhà quan sát quốc tế đánh giá cao về tham vọng và khả năng thực hiện. Trước hết, nó có cột mốc thời gian và điều khoản, nội dung rõ ràng. Sau nữa, lý do rất quan trọng là bản kế hoạch này cũng là tham vọng tuyệt đối hóa thu vén quyền lực trong tay mình của Tập Cận Bình, mà trong điều kiện hiện tại, ông không có thách thức hay đối thủ chính trị nào cản bước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo