Mạng xã hội TikTok đang đối mặt sức ép ngày một lớn tại Mỹ theo sau một loạt động thái cứng rắn của chính quyền một số bang ở đó.
Trong bước đi mới nhất, Thống đốc bang Texas, ông Greg Abbott, hôm 7-12 ra lệnh các cơ quan của bang cấm nhân viên sử dụng ứng dụng TikTok trên thiết bị do chính quyền cấp.
Theo ông Abbott, lý do dẫn đến động thái trên là vấn đề bảo mật dữ liệu và thông tin nhạy cảm khi TikTok "đang thu thập lượng lớn dữ liệu từ thiết bị người sử dụng, trong đó có thời điểm, địa điểm và cách thức họ lên mạng".
Cùng ngày, chính quyền bang Indiana của Mỹ đệ đơn kiện TikTok với cáo buộc ứng dụng này nói dối người sử dụng về vấn đề an toàn dữ liệu và gợi ý nội dung video không phù hợp với trẻ em.
Văn phòng của TikTok ở TP Culver, bang California - Mỹ. Ảnh: REUTERS
TikTok thuộc sở hữu của Công ty ByteDance (Trung Quốc). Tại Mỹ, mạng xã hội này đang bị "soi" gắt gao, xuất phát từ nỗi lo dữ liệu của người sử dụng ở nước này có thể rơi vào tay Bắc Kinh. Trước bang Texas, một số bang khác ở Mỹ đã có đã có hành động tương tự, như Nam Carolina, Maryland, Nam Dakota, Nebraska...
Hôm 6-12, Thống đốc bang Maryland, ông Larry Hogan, cấm sử dụng một số nền tảng, trong đó có TikTok, trên thiết bị do chính quyền cấp do "rủi ro về an ninh mạng" đến từ các sản phẩm này. TikTok cũng bị cấm sử dụng trên thiết bị của quân đội Mỹ.
Vào tháng rồi, ông Brendan Carr, Ủy viên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ FCC), kêu gọi chính phủ Mỹ cấm TikTok do lo ngại nguy cơ ứng dụng này thu thập và gửi dữ liệu về Trung Quốc, từ đó đe dọa đến an ninh quốc gia.
Nỗi lo này được Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Chris Wray chia sẻ khi ông đưa ra nhận định về hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Đáp lại, đại diện của TikTok nói rằng những lo ngại dẫn đến lệnh cấm nói trên chủ yếu xuất phát từ thông tin sai lệch về công ty này. Theo đài ABC News, TikTok nhấn mạnh "ưu tiên hàng đầu" của họ là "sự an toàn, sự riêng tư và an ninh của cộng đồng, đồng thời trấn an rằng họ lưu trữ dữ liệu người sử dụng ở Mỹ bên ngoài Trung Quốc.
Vào năm 2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump tìm cách cấm TikTok hoạt động ở Mỹ. Sau đó, Washington kêu gọi ByteDance bán lại hoạt động của TikTok ở Mỹ cho một công ty địa phương nhưng một thương vụ như thế chưa bao giờ thành hiện thực.
TikTok hiện thương thảo với chính phủ Mỹ nhằm giải tỏa các nỗi lo về an ninh với hy vọng duy trì hoạt động tại thị trường lớn này. Trước mắt, hai bên đã nhất trí về việc lưu trữ dữ liệu người sử dụng ở Mỹ trên máy chủ của hãng công nghệ máy tính Oracle tại Mỹ. Ngoài ra, Oracle sẽ phụ trách giám sát hoạt động truy xuất những dữ liệu này của nhân viên TikTok.
Dù vậy, theo tờ The Wall Street Journal, nỗ lực đạt được thỏa thuận cuối cùng còn gặp một số trở ngại, như nỗi lo của giới chức Mỹ về thuật toán đề xuất nội dung video của TikTok và chuyện Washington cần tin tưởng công ty này đến đâu.
Giới phân tích cho rằng trong trường hợp TikTok bị cấm ở Mỹ, những công ty có thể được hưởng lợi là Meta (công ty mẹ của mạng xã hội Facebook), dịch vụ YouTube của Google và Công ty Truyền thông xã hội Snap.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định khả năng xảy ra kịch bản nói trên là không cao. Khả dĩ hơn là TikTok được bán cho một công ty công nghệ hoặc truyền thông Mỹ trong trường hợp không có thỏa thuận nào đạt được.
Bình luận (0)