Khởi động từ năm 2013, sáng kiến này có tham vọng xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối hàng trăm quốc gia từ châu Á tới Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Trong quá trình tranh cử, ông Biden từng chỉ trích Trung Quốc tài trợ cho các dự án năng lượng hóa thạch khắp thế giới thông qua BRI, từ đó "xuất khẩu" ô nhiễm từ Trung Quốc sang các nước khác.
Đó là lý do mà nhiều chuyên gia nhận định với đài CNBC (Mỹ) rằng chính quyền mới của ông Biden có thể bắt tay với các đồng minh và đối tác để tài trợ những dự án "sạch" hơn cho các nước tham gia BRI.
Dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung (Indonesia) nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” Ảnh: NHÂN DÂN NHẬT BÁO
Ông Jonathan Wood, Giám đốc tổ chức tư vấn Control Risks (Mỹ), cho rằng Washington còn có thể gây sức ép để các đối tác của Mỹ tham gia BRI nâng cao tiêu chuẩn về môi trường trong các dự án của họ. Theo báo cáo năm 2019 của Ngân hàng Thế giới, không chỉ các dự án nhà máy than tàn phá môi trường mà các dự án hạ tầng giao thông trong BRI cũng làm tăng phát thải CO2 thêm 0,3% trên toàn thế giới.
Theo chuyên gia Imogen Page-Jarrett của Tập đoàn Economist (Anh), BRI nhiều khả năng trở thành "điểm nóng" mới trong quan hệ Mỹ - Trung, nhất là khi ông Biden muốn thành lập liên minh đa phương đối phó Trung Quốc.
Mặt khác, Trung Quốc gần đây bày tỏ quyết tâm dẫn đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Trên thực tế, theo dữ liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ và Quỹ Di sản (đều của Mỹ), các thực thể Trung Quốc vẫn tài trợ cho các dự án năng lượng hóa thạch song tỉ lệ các dự án này đang giảm trong khi tỉ lệ dự án năng lượng tái tạo gia tăng. Trong trường hợp này, hướng tiếp cận tương đồng về môi trường có thể đưa Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.
Bình luận (0)