Daily Mail hôm 22-12 cho biết các nhà khoa học đến từ Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) đã tiến hành một cuộc khảo sát ở vùng nước sâu phía Nam bang Tasmania.
Trong chuyến hành trình kéo dài 4 tuần, họ phát hiện hơn 100 loài không tên sống ở các "ngọn núi dưới đáy đại dương". Đây là khu vực có khá nhiều san hô biển sâu cũng như quy tụ một lượng lớn sinh vật biển đa dạng.
Các nhà khoa học thu được một số sinh vật và san hô kỳ lạ, bao gồm một con tôm hùm chân dài, một con cua có vỏ bị méo và một con cá tròn. Ngoài ra, họ còn tìm thấy mực phát quang sinh học, cá mập ma, cá mập nước sâu, cá đuối, lươn…
Tôm hùm chân dài... Ảnh: CSIRO
Cá tròn... Ảnh: CSIRO
... và cua đá là 3 trong số các sinh vật kỳ lạ được tìm thấy. Ảnh: CSIRO
Ông Jason Mundy, người đứng đầu một cơ quan bảo tồn biển của Úc, cho biết chuyến khảo sát là một phần quan trọng của hoạt động bảo tồn biển.
"Những hình ảnh từ chuyến đi này nhắc nhở chúng ta về những môi trường kỳ lạ và đa dạng mà chúng ta đang bảo vệ" – ông Mundy nói.
Các nhà khoa học đã tiếp cận các khu bảo tồn biển Huon và Tasman Fracture, sau đó chụp được những hình ảnh chưa từng thấy về môi trường sống của các loài sinh vật biển tại đây. Họ cũng sử dụng lưới nhỏ để thu thập mẫu vật phục vụ công tác nhận dạng. Nhiều loài mới được phát hiện trong quá trình này.
Ảnh: CSIRO
Hình ảnh từ hệ thống camera cũng cho thấy một loạt rạn san hô đầy màu sắc đa dạng cùng với hàng trăm loài động vật nép mình giữa chúng.
Nhà khoa học của CSIRO Alan Williams nói rằng chuyến đi đã cung cấp nhiều dữ liệu về các loài động vật sống trên các "ngọn núi dưới đáy đại dương" và cộng đồng sinh vật biển thay đổi theo độ sâu như thế nào.
Bằng cách thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã có một bức tranh rộng lớn hơn nhiều về sự sống ở môi trường tiếp giáp với các "ngọn núi dưới đáy đại dương".
Bình luận (0)