Tổng thống Joe Biden hôm 16-6 cho biết người dân Mỹ "thực sự xuống tinh thần" sau 2 năm hỗn loạn với đại dịch Covid-19, sự biến động về kinh tế và giá xăng dầu tăng cao hiện nay đang ảnh hưởng đến ngân sách của nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiên, ông Biden trấn an rằng suy thoái là có thể tránh khỏi. Trong cuộc phỏng vấn của hãng tin AP, tổng thống Mỹ phản đối tuyên bố của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cho rằng kế hoạch viện trợ Covid-19 hồi năm ngoái là nguyên nhân khiến lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm qua và gọi lập luận đó là "kỳ lạ".
Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 8,6% trong tháng 5, mức tăng mạnh nhất trong hơn 40 năm qua. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đổ lỗi cho gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỉ USD của ông Biden từ năm ngoái đã kích hoạt một vòng xoáy tăng giá.
Khi được hỏi về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh rằng đây là điều có thể tránh được vì Mỹ ở vị thế mạnh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới để vượt qua rủi ro này. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ đã khiến thị trường tài chính lao dốc và nhiều nhà kinh tế cảnh báo về cuộc suy thoái tiềm ẩn trong năm tới.
Một cửa hàng bán lẻ giảm giá ở Santa Monica, bang California - Mỹ hôm 16-6 Ảnh: REUTERS
Theo đài CNBC, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ không cố tình gây ra suy thoái và nền kinh tế Mỹ đang đứng trên một bệ đỡ vững chắc.
Không tỏ ra lạc quan, bà Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng tại Công ty Tư vấn LPL Financial (Mỹ), cho hay: "Ngay cả khi Mỹ chưa bước vào suy thoái, thị trường vẫn lo lắng rằng FED có thể mắc phải sai lầm chính sách rằng họ sẽ phá vỡ một điều gì đó. Thị trường cũng đang hoài nghi về nhận xét của Chủ tịch Jerome Powell rằng nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ".
Ông Tom Porcelli, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Đầu tư RBC Capital Markets, cho rằng bình luận của chủ tịch FED không phù hợp và tương quan với dữ liệu thực tế.
Công ty Tư vấn tài chính Bespoke Investment Group lập luận: "Mô tả của ông Powell về chi tiêu người tiêu dùng vững mạnh trong bối cảnh nền kinh tế lộ dấu hiệu suy yếu càng làm tăng thêm lo ngại của chúng tôi rằng FED đang bị hụt hơi trong cuộc chiến với lạm phát và do đó dễ dẫn đến chính sách sai lầm".
Trên thực tế, có vô số dấu hiệu chứng tỏ tăng trưởng đang chững lại. Chỉ tính riêng trong tháng 5, dữ liệu bất động sản đã cho thấy số lượng nhà ở xây mới lao dốc 14,4% so với tháng trước vào thời điểm Mỹ đang thiếu nhà ở trầm trọng.
Lạm phát tại khu vực sử dụng đồng tiền chung euro cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục 8,1% trong tháng 5 theo ước tính sơ bộ, cao hơn 4 lần so với mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Báo cáo mới cho thấy nhiều khả năng ECB có kế hoạch tăng lãi suất vào tháng tới để kiềm chế tốc độ tăng giá. Ảnh hưởng từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau đại dịch Covid-19 và giá năng lượng tăng vọt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, lạm phát ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ thực phẩm và dịch vụ đến hàng hóa hằng ngày. ECB hồi tuần trước thông báo tăng lãi suất thêm 0,25% vào tháng 7 và tháng 9 tới.
Trong khi đó, Tập đoàn Đầu tư Moody’s (Mỹ) cho biết mức độ rủi ro nợ ở châu Á đã vượt mức cao nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, do sự tụt hạng của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc kể từ cuối năm ngoái. Việc mức xếp hạng rủi ro cao kỷ lục mới này đến từ việc lo ngại về khả năng trả nợ của một loạt nhà phát triển bất động sản Trung Quốc ngày càng tăng.
Moody’s dự báo rằng sẽ còn nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc vỡ nợ trong năm nay. Moody’s cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2022 từ 5,2% xuống 4,5%, dựa trên tác động của Covid-19, suy thoái thị trường bất động sản.
Bình luận (0)