Với mức độ hiện tại là 5% - 5,25%, lãi suất chiết khấu và lãi suất thế chấp của FED cao nhất kể từ năm 2007, tức là trước khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới. Gần như ngay lập tức sau đấy, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất cơ bản cho đồng euro, cũng với mức độ 0,25 điểm phần trăm như FED.
Việc FED tiếp tục nâng mặt bằng lãi suất cơ bản cho đồng USD với mức độ "nhỏ giọt", tức 0,25 điểm phần trăm chứ không phải 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm, là chuyện có thể dự đoán được trước. Cho nên, điều được bên ngoài để ý đến nhiều nhất ở động thái nói trên chính là thời điểm.
Yếu tố chi phối quyết định điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách lãi suất nói riêng của FED lúc này là tỉ lệ lạm phát. Con số này đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức 5%, tức vẫn cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 2% của FED.
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington - Mỹ hôm 3-5 Ảnh: Reuters
Kinh tế Mỹ tuy vẫn tăng trưởng nhưng không còn được mạnh mẽ và năng động, làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ suy thoái. Những mối bận tâm khác là cuộc khủng hoảng ngân hàng bùng phát ở Thung lũng Silicon và tình trạng chính phủ ngấp nghé bờ vực ngừng hoạt động nếu không có thỏa thuận về nâng trần nợ công.
FED tiếp tục tăng lãi suất cơ bản trước hết vì nhu cầu đòi hỏi phải tiếp tục chống lạm phát. Tỉ lệ lạm phát còn cao và điều này thách thức năng lực ứng phó, uy danh của FED nên cơ quan này vẫn phải dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho công cuộc chống lạm phát.
Xem ra, FED hiện tại thiên về suy tính là tăng trưởng kinh tế của Mỹ có bớt năng động và vẫn chưa thật sự bền vững nhưng chưa đến mức đã xuất hiện nguy cơ suy thoái hay trì trệ nên FED không chỉ vẫn có thể nâng mặt bằng lãi suất cơ bản mà còn phải làm ngay việc này trước khi quá muộn, nhất là khi tỉ lệ thất nghiệp vẫn thấp.
Tăng lãi suất cơ bản như thế cũng còn là cách FED gián tiếp ứng phó cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Thung lũng Silicon. Ở đây ẩn hiện nhận thức của FED cho rằng hệ thống ngân hàng và tài chính của Mỹ "vẫn rất bền vững" nên FED có thể "sàng lọc ngân hàng" thông qua tăng lãi suất, cụ thể là để cho ngân hàng này bị phá sản và ngân hàng kia được cơ cấu lại trên phương diện sở hữu. FED coi cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại chỉ là cục bộ và nhất thời, không có khả năng tiếp tục diễn tiến thành cuộc khủng hoảng toàn quốc và kéo dài.
Việc FED tăng lãi suất cơ bản luôn giúp cho đồng USD mạnh thêm lên so với tất cả đồng tiền khác trên thế giới, luôn đưa lại hiệu ứng sâu rộng về kinh tế đối ngoại đối với Mỹ, cũng như cả hiệu ứng chính trị đối nội nữa.
Tiền tệ không bao giờ phi chính trị và FED trên thực tế cũng đâu có hoàn toàn độc lập với chính trị. Nâng lãi suất cơ bản như thế, FED gia tăng áp lực đối với chính phủ và quốc hội Mỹ trong việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận giúp ngăn ngừa nguy cơ bộ máy chính quyền không còn ngân sách để duy trì hoạt động.
Bình luận (0)