Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra, tất cả sự chú ý đều đổ dồn vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng lúc này, người dân Syria biểu tình để nhắc nhở thế giới rằng cuộc chiến này khởi đầu do một nhà độc tài.
Thực ra, thỏa thuận ngừng bắn hiện đã tồn tại được 2 tuần chỉ là một biện pháp tạm thời. Trong thời gian sắp tới, liệu khả năng đình chiến do Mỹ và Nga đưa ra có cơ hội kéo dài không? Và liệu còn hy vọng nào cho chính sách ngoại giao để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng, bao gồm cả giai đoạn chuyển tiếp chính trị?
Trong khi những câu hỏi quan trọng nêu trên vẫn chưa có câu trả lời, ở Syria đã xảy ra một diễn biến to lớn nhưng lại ít được dư luận chú ý: Đó là tranh thủ thời điểm ngừng bắn, người dân Syria đã đổ ra đường phố yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi.
Một tuần sau thỏa thuận ngừng bắn, người dân Syria đã tiến hành các cuộc biểu tình hôm 4-3 cùng với khẩu hiệu: “Cuộc cách mạng đang tiếp diễn”.
Nhiều khả năng hoạt động này sẽ tái diễn sau buổi cầu nguyện ngày 11-3.
Tuần trước, nhiều đám đông người dân Syria đã tập trung ở hàng chục thành phố, phần lớn là khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của quân nổi dậy ở phía Bắc và phía Nam và cả ở vùng ngoại ô thủ đô Damascus.
Biểu tình là phương cách mang tính biểu tượng mạnh mẽ nhằm thắp lại tinh thần cuộc nổi dậy năm 2011 chống lại chế độ Assad.
Hơn nữa, đây còn là một lời nhắc nhở có tác động mạnh đối với những ai khẳng định rằng vấn đề duy nhất ở Syria lúc này là chủ nghĩa thánh chiến bạo lực và làm cách nào để đương đầu với nó.
Một người biểu tình giương cao lá cờ của phe nổi dậy tại TP Bosra al-Sham – Syria hôm 4-3. Ảnh: REUTERS
Người dân Syria đã lợi dụng thời gian ngừng bắn không chỉ để tận hưởng sự yên tĩnh, khi những quả bom và tên lửa bớt rơi xuống các thành phố, mà còn để nêu rõ yêu cầu hàng đầu của họ về sự thay đổi chính trị vẫn chưa hề lắng xuống kể từ năm 2011.
Hơn nữa, cuộc biểu tình là lời nhắc nhở về bản chất cuộc khủng hoảng suốt 5 năm qua ở Syria: cuộc cách mạng của người dân chống lại nhà độc tài, chống lại một gia tộc nắm quyền trong nhiều thập kỷ và chống lại bộ máy an ninh luôn gieo rắc khủng bố.
Sự nổi dậy của người Syria bắt đầu cách đây gần đúng 5 năm, vào ngày 18-3-2011, thời điểm phong trào "Mùa xuân Ả Rập" diễn ra với nhiều hứa hẹn. Những cuộc biểu tình hòa hoãn ở Tunisia và Quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo - Ai Cập đem lại cho người dân Syria nguồn cảm hứng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khi chính phủ ông Assad bắt đầu bắn đạn thật vào đám đông nổi dậy, bắt bớ và tra tấn người biểu tình, dù họ chỉ là những thiếu niên, những người chống lại ông Assad đã buộc phải cầm súng đứng lên, ban đầu chỉ với mục đích bảo vệ người biểu tình.
Khởi đầu là một phong trào với khát vọng dân chủ, nó đã biến thành cuộc xung đột tàn nhẫn, cùng với sự nhúng tay của các cường quốc.
Người dân Syria lâu nay đã phải chịu đựng một tình cảnh quá tàn bạo chưa từng có với tên lửa Scud, bom chùm, vũ khí hóa học, tra tấn, đói khát và bị vây hãm.
Ấy vậy mà sau khi phần lớn lãnh thổ Syria bị mạng lưới các nhóm nổi dậy Hồi giáo chiếm giữ, phương Tây chỉ tập trung tiêu diệt tổ chức IS còn Nga thì được tự tung tự tác.
Sau 5 năm, cuộc nội chiến đã cướp đi khoảng 300.000 đến 470.000 sinh mạng người Syria và khiến hơn một nửa dân số nước này phải bỏ xứ chạy trốn bom đạn.
Như thế, hiện tượng người dân Syria tràn xuống đường với những tuyên bố đanh thép đòi thay đổi chính trị quả là một hành động hồi phục đáng ngưỡng mộ.
Thông điệp từ những người biểu tình sẽ là một trong những yếu tố dẫn đường cho đường lối ngoại giao sắp tới.
Không điều gì có thể dập tắt nỗi khát khao chấm dứt chế độ chuyên quyền bên trong đất nước Syria và cả trong cộng đồng người tị nạn Syria.
Sự dũng cảm của những người biểu tình phải được công nhận và thông điệp của họ phải được lắng nghe.
Bình luận (0)