Trong khi đó, đài BBC cho biết lần đầu tiên trong vòng hai năm qua giá vàng đã tăng lên hơn 300 USD/ounce trong những ngày đầu tháng 2. Theo các nhà quan sát, đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đã mất lòng tin đối với giá trị thật của các cổ phiếu sau khi xảy ra vụ Enron. Nhu cầu vàng cũng đã tăng vọt ở Nhật Bản, nơi vàng được xem như là một cách đầu tư an toàn hơn so với việc để tiền trong ngân hàng. Góp thêm vào việc tăng giá vàng còn có yếu tố là có những thay đổi trong chính sách của các công ty khai khoáng về số lượng vàng bán ra trước khi sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro về giá.
Sự mất lòng tin về giá trị thật của các cổ phiếu cùng với những trò ma thuật trong kế toán, kiểm toán của Enron đã làm cho giá cổ phiếu của các công ty lớn khác của Mỹ như Williams (cũng hoạt động trong ngành năng lượng) và Enterasys Networks (hoạt động về kỹ thuật cao) mất giá từ 1/3 đến hơn một nửa kể từ cuối năm ngoái. Cổ phiếu của hãng máy tính IBM đã sụt giảm mạnh xuống dưới 103 USD một cổ phiếu vào cuối tuần qua. Ảnh hưởng của vụ Enron cũng lan sang các nước phía bờ kia của Thái Bình Dương khi các công ty đại gia như Roll Royce của Anh và tập đoàn truyền thông Kirch cũng như các đồng nghiệp Mỹ, đang phải đối diện với các vấn đề liên quan đến giá trị thật của cổ phiếu hoặc quy trình kế toán kiểm toán.
Trong khi đó, dù bị tai tiếng trong vụ Enron, Công ty Andersen lại là một trong năm công ty kiểm toán nước ngoài làm ăn khấm khá ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tờ Trung Quốc nhật báo, vụ Enron cho thấy các công ty kiểm toán nước ngoài không tránh khỏi có “vấn đề”. Tờ báo này kêu gọi Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc tập trung vào việc kiểm soát thị trường hơn là đặt “niềm tin mù quáng” vào các công ty kiểm toán nước ngoài.
Bình luận (0)