Sau khi đưa Harry Potter tập 1 (Harry Potter and the philosopher’s stone) đến nhiều nhà xuất bản đều bị từ chối, nhà văn J.K. Rowling tìm đến Nhà Xuất bản Bloomsbury. Christopher Little, người đại diện của bà Rowling, đến văn phòng Nhà Xuất bản Bloomsbury ở London đưa bản thảo cuốn truyện cho ông Newton. Ông này không đọc mà mang về nhà. Tình cờ bé gái Alice, 8 tuổi, nhìn thấy tập bản thảo và đọc. Ông Newton kể: “Cháu bé mang về phòng riêng đọc, một giờ sau, sung sướng nói với tôi: “Thưa cha, chuyện này hay hơn bất cứ câu chuyện nào khác”. Vài tháng sau, cháu vặn hỏi tôi, muốn xem tiếp câu chuyện sẽ ra sao”.
Ông Newton tạm ứng tấm séc 2.500 bảng Anh (70 triệu đồng VN) cho bà Rowling. Ông Newton kể tiếp: “Thật may cho chúng tôi. Tháng 6-1994, chúng tôi mới bắt đầu in truyện thiếu nhi. Và tập đầu Harry Potter đã trở thành cuốn tiểu thuyết best - seller của mọi thời đại. 8 nhà xuất bản từ chối in tác phẩm của Rowling cảm thấy tiếc”.
Đến nay các tập Harry Potter đã bán được hơn 265 triệu cuốn tại 200 nước. Christopher Little, đại diện của nhà văn Rowling năm 2002 được trả công 19 triệu bảng. Chú bé Daniel Radcliffe, 14 tuổi, đóng vai Harry Potter trong loạt phim về câu chuyện này, trở thành triệu phú trẻ tuổi nhất. Còn nhà văn Rowling trở thành tỉ phú USD. Tạp chí Forbes ước tính tài sản năm 2004 của bà là 562 triệu bảng Anh, chưa kể tiền nhuận bút của Harry Potter tập 6 vừa phát hành. Ông Newton nói: “Bà là một trong 5 nữ tỉ phú tự lập của thế giới; là phụ nữ giàu nhất ở Anh và là nhà văn tỉ phú USD đầu tiên của thế giới”.
Bà Rowling mê viết văn từ bé. Bà viết cuốn sách đầu tiên, tựa đề Rabbit năm 6 tuổi. Khi đã lớn, viết 2 cuốn tiểu thuyết dành cho người lớn nhưng đều bỏ không in. “Harry Potter nẩy nở trong đầu tôi trong chuyến đi xe lửa từ Manchester về Edinburgh năm 1990” - bà Rowling nhớ lại. Bà từ Bồ Đào Nha, nơi bà sinh đứa con đầu lòng, trở về sống ở Scotland. Harry Potter được viết trong một tiệm cà phê gần nhà khi bé gái Jessica ngủ.
Trên website của mình, bà Rowling kể lại giây phút sung sướng khi được tin Nhà Xuất bản Bloomsbury đồng ý in Harry Potter: “Tháng 8-1996, Christopher gọi điện thoại báo cho tôi biết Nhà Xuất bản Bloomsbury đã “có lời mời” tôi cộng tác. Tôi không thể tin vào tai mình, hỏi lại: “Anh muốn nói là cuốn sách sắp được in? Có đúng là sắp được in không?”. Sau khi đặt máy điện thoại xuống, tôi hét to và nhảy cẫng lên”.
Năm nay bà Rowling đã 40 tuổi và tập 7 đã “đi bước nữa”, sẽ tiếp tục viết Harry Potter tập 7. Bà nói: “Những phần thưởng là quá lớn nhưng tôi biết làm thế nào mà có được”.
Từ thành công của loạt truyện Harry Potter, các nhà kinh doanh đã nói đến “hiện tượng thương hiệu Harry Potter” trên thương trường. Tạp chí Forbes nhận xét vui: “Nếu một người khách từ hành tinh khác bất chợt đọc lướt qua thông tin của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ, chắc phải nghĩ rằng Harry Potter là chủ một ngân hàng hùng mạnh ở Wall Street, New York”.
Đúng là hiện tượng Harry Potter chưa từng có trong công nghiệp xuất bản sách. Neill Denny, Tổng Biên tập tạp chí Bookseller của Anh, nói: “Tôi không nói Harry Potter đã cứu ngành xuất bản Anh nhưng rõ ràng hiện tượng này là sự phát triển tích cực”.
Vậy tương lai thương hiệu Potter sẽ ra sao? Ông Neill Denny trả lời: “Tôi không nghĩ tập 7 Harry Potter sẽ giảm lượng phát hành. Nếu tập 7 là kết thúc câu chuyện thì hiện tượng Harry Potter mới chấm dứt”.
Hiện nay các nhà xuất bản đang bận rộn tìm kiếm tác phẩm văn học nào có thể thay thế sáng tác của J.K. Rowling. Ông Neill Denny nói: “Tìm mãi mà chưa thấy “hậu Harry Potter, chủ yếu vì Potter vẫn còn hiện diện”.
Bình luận (0)