Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã tái cấu trúc thị trường dầu toàn cầu, trong đó các nhà cung cấp châu Phi đáp ứng nhu cầu dầu của châu Âu và Nga chuyển hướng tàu chở dầu thô sang châu Á do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Việc Nga quay sang các khách hàng châu Á đánh dấu sự thay đổi lớn nhất về nguồn cung trên thị trường dầu toàn cầu kể từ khi cuộc cách mạng đá phiến Mỹ định hình thị trường một thập kỷ trước.
Kim ngạch xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 4-2022 đã trở lại mức trước khi diễn ra chiến dịch quân sự tại Ukraine - theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Giá dầu cũng ổn định quanh mức 110 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất trong 14 năm qua là 139 USD/thùng vào tháng 3.
Ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí về lệnh cấm dầu của Nga trong gói trừng phạt sắp tới, các nhà phân tích cho rằng tác động đối với Nga vẫn có thể giảm bớt nhờ nhu cầu từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo hãng theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics và các dữ liệu khác, nguồn cung dầu từ Nga đến châu Á qua đường biển đã tăng ít nhất 50% kể từ đầu năm nay.
Chủ tịch Petro-Logistics, ông Mark Gerber, nói với Reuters rằng lượng dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga chuyển thẳng đến châu Á đã chạm mốc 2,3 triệu thùng/ngày. Con số này hồi tháng 1, trước khi diễn ra chiến dịch quân sự tại Ukraine, chỉ khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Một tàu kéo đẩy sà lan chở dầu về phía cầu Brooklyn ở TP New York - Mỹ hôm 24-5 Ảnh: REUTERS
Theo Petro-Logistics, để bù đắp sự thiếu hụt nguồn dầu từ Nga, các nhà máy lọc dầu châu Âu chuyển sang nhập khẩu dầu thô Tây Phi, tăng 17% trong tháng 4 so với mức trung bình giai đoạn 2018-2021. Khoảng 660.000 thùng dầu/ngày được vận chuyển - chủ yếu từ Nigeria, Angola và Cameroon - đến Tây Bắc châu Âu trong tháng 5.
Theo ông Gerber, lượng dầu thô Tây Phi xuất sang Ấn Độ đã giảm gần một nửa, từ 510.000 thùng/ngày trong tháng 3 xuống còn 280.000 thùng/ngày được giao trong tháng 4, khi New Delhi chuyển sang mua dầu của Nga.
Nguồn cung từ Bắc Phi sang châu Âu cũng tăng 30% kể từ tháng 3. Ngoài ra, theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kpler (Bỉ), châu Âu cũng tăng cường nhập dầu từ Mỹ.
Trong bối cảnh nhu cầu về xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay đang tăng trước đợt cao điểm mùa hè ở Mỹ và châu Âu, ngay trước thềm cuộc họp của EU về cấm nhập dầu từ Nga hôm 30-5, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua.
Theo Reuters, giá dầu thô Brent ngày 30-5 có lúc tăng 0,4%, lên 119,89 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 0,5%, lên 115,67 USD/thùng.
Bất chấp những nỗ lực từ đầu tháng 5, các nước thành viên EU vẫn chưa thể nhất trí về gói trừng phạt thứ 6 chống lại Moscow, một phần do lệnh cấm mua dầu của Nga không được Hungary chấp nhận, đây cũng là vấn đề lớn đối với Slovakia và CH Czech.
Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell cho biết các nhà lãnh đạo EU dự cuộc họp thượng đỉnh trong 2 ngày 30 và 31-5 để bàn việc hỗ trợ Ukraine và cách đối phó với các tác động từ chiến dịch quân sự của Nga, gồm giá năng lượng tăng, nguy cơ thiếu lương thực và nhu cầu quốc phòng của EU.
Bình luận (0)