Đầu tiên, một toán tội phạm trẻ tuổi dự định đánh một người bán dưa hấu đến từ Caucasus song họ đã nhìn thấy một người khác là Vũ Anh Tuấn, một sinh viên Việt Nam và đâm sinh viên này 37 nhát. Ngoài Vũ Anh Tuấn, bọn người này còn đánh đập nhiều công dân đến từ Ghana, Palestine, Trung Quốc và Azerbaijan - những người mà bọn họ gọi là "chủng tộc khác".
Đây không phải là lần đầu tiên một Hội đồng Bồi thẩm ra phán quyết trắng án dành cho những nghi phạm giết người nhằm vào công dân ngoại quốc đến từ các nước thuộc Xô Viết cũ và nhiều quốc gia khác. Một Hội đồng Bồi thẩm ở St. Petersburg từng tuyên bố trắng án đối với các bị cáo tham gia vụ giết bé gái người Tajik tên là Khursheda Sultonova mặc dầu đây hiển nhiên là một tội ác phân biệt chủng tộc.
Thực tế, những tội ác như vậy đã trở nên phổ biến và bọn người gây án rất tàn ác. Chúng thường là những thanh thiếu niên giết, đánh đập người khác màu da hoặc không có các đặc điểm Sla-vơ. Chúng tấn công theo nhiều nhóm đông, hành động có tính toán và man rợ khiến các nạn nhân không thể chống đỡ.
Bọn người này có thể coi như đã nhiễm virus "phân biệt chủng tộc phổ biến". Làn sóng bài ngoại - vốn đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối nhất ở nước Nga - đang lan tới các tầng lớp có giáo dục và cả những người bị tước quyền sở hữu, những người sử dụng gậy sắt và dao để tấn công nạn nhân của mình.
Hành vi của họ thể hiện phản ứng của công chúng trước tình trạng người nhập cư gia tăng nhanh chóng, trước các vấn đề xã hội và các yếu tố méo mó của sự nhận thức dân tộc thời hậu Xô Viết.
Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các Hội đồng Bồi thẩm - mà luật sư nổi tiếng Anatoly Koni từng miêu tả là "phán quyết của đường phố" - thể hiện quan điểm của "số đông đường phố".
Câu hỏi vẫn luôn là: Liệu người Nga đã sẵn sàng cho những phiên xét xử của Hội đồng Bồi thẩm (được áp dụng từ khi bắt đầu các chính sách cải tổ rộng rãi)? Sự đánh giá không chuyên của "đường phố" đã khiến cho họ hành xử không công bằng, chưa nói gì đến những quyết định đúng pháp luật.
Điều lạ là không ai than phiền về các quyết định của các Hội đồng Bồi thẩm cho đến mãi tận gần đây khi mà các Hội đồng Bồi thẩm thực sự rời xa pháp luật và ý thức chung; họ bắt đầu đưa ra các mức án lâu năm dành cho các nhà khoa học song lại tuyên trắng án cho những tên sát nhân phân biệt chủng tộc.
Có lẽ, nguyên nhân gốc rễ không phải do các Hội đồng Bồi thẩm mà là bầu không khí chung trong toàn xã hội, quan điểm bài ngoại đã ảnh hưởng đến Hội đồng bồi thẩm vốn gồm toàn thường dân?
Các chuyên gia cho rằng, việc chọn người vào Hội đồng Bồi thẩm là vấn đề chính. Không một ai hỏi các ứng viên về thái độ của họ đối với các vấn đề dân tộc. Một người mang các quan điểm dân tộc - mặc dầu các quan điểm này phổ biến trong xã hội Nga - không nên được chọn vào một Hội đồng Bồi thẩm bởi vì người này không thể đại diện cho toàn bộ xã hội Nga và thông qua phán quyết về bị cáo.
Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến, những người tham gia nói dư luận chung rất lo ngại khi chứng kiến các bị cáo hầu tòa vì giết bé gái người Tajik được tuyên trắng án.
Việc Hội đồng Bồi thẩm tha bổng các bị cáo giết Vũ Anh Tuấn là một lý do nữa để người ta phải suy nghĩ về cách thức lựa chọn Hội đồng Bồi thẩm, về tình hình ở xã hội Nga hiện nay khi mà cơn sốt bài ngoại đang phủ bóng lên các bản án.
Bình luận (0)