Ronald Lauder, 67 tuổi, người Mỹ gốc Do Thái, là con trai của bà Estée Lauder, nhà sáng lập tập đoàn mỹ phẩm lừng danh thế giới Estée Lauder. Ngoài danh hiệu người thứ 362 giàu nhất thế giới với tài sản cá nhân hơn 3,1 tỉ USD, ông Ronald Lauder còn là một nhà từ thiện và nhà sưu tập tranh nổi tiếng ở Mỹ.
Tháng 10 vừa qua, nhân kỷ niệm lần thứ 10 nhà bảo tàng nghệ thuật Áo và Đức Neue Galerie của mình, ông Ronald tổ chức triển lãm bộ sưu tập tranh cá nhân trị giá hơn 1 tỉ USD bao gồm những kiệt tác của các danh họa Vincent Van Gogh, Paul Cezanne và Henri Matisse tại trụ sở nhà bảo tàng là một tòa biệt thự hoành tráng, nằm ở mặt tiền đại lộ số 5 New York.
Càng giàu trốn thuế càng nhiều
Nhà báo David Kocieniewski của tờ The New York Times đến dự sự kiện nói trên cho biết ngoài ý nghĩa xã hội và văn hóa, cuộc triển lãm còn vận dụng khôn khéo bộ luật thuế Mỹ.
Bằng cách tặng bộ sưu tập tranh cá nhân cho nhà bảo tàng của chính mình, ông Ronald được khấu trừ hàng chục triệu USD tiền thuế thu nhập liên bang. Động thái này, theo nhà báo Kocieniewski, chỉ là một trong muôn mặt của chiến lược trốn thuế tinh vi.
Theo lẽ thường, ai có thu nhập thấp nộp thuế thấp, ai có thu nhập cao nộp thuế cao. Nhưng thực tế ở Mỹ, cái lẽ thường đó đã không diễn ra một cách bình thường.
Theo nguồn tin của đài truyền hình Bloomberg, 400 người có thu nhập từ 1 tỉ USD trở lên chỉ nộp thuế trung bình 18% thu nhập trong khi hàng chục triệu gia đình có thu nhập dưới 40.000 USD/năm lại phải nộp thuế trung bình 26,5% thu nhập. Thậm chí, nhiều nhà tỉ phú tìm mọi cách để chỉ phải nộp 1% mà thôi. Họ thuê những luật gia giỏi nhất để làm việc này.
Tỉ phú Ronald Lauder và bức tranh trị giá 135 triệu USD mà ông mua năm 2006 _Ảnh: AP
Trên 1.400 triệu phú không chịu trả thuế thu nhập năm 2009, theo nguồn tin IRS, cơ quan thu thuế nội địa Mỹ. Ngoài ra, 25% hộ triệu phú nộp thuế thu nhập với tỉ lệ thấp hơn cả triệu hộ trung lưu.
Những người giàu có được ưu ái như vậy vì được miễn giảm thuế nhiều thứ mà người có thu nhập thấp chỉ có trong mơ: nhà nghỉ mát, du thuyền… Họ còn được nhận trợ cấp từ chính phủ nếu xây dựng nông trại.
Trường hợp của siêu sao nhạc rock Jon Bovi là một điển hình. Theo báo cáo của thượng nghị sĩ Tom Coburn về thuế khóa năm 2009, Jon Bovi chỉ phải đóng 100 USD tiền thuế vì bất động sản khổng lồ của anh ở New Jersey dùng để “nuôi ong”.
“Cướp biển vùng Caribe” Johnny Depp cũng là một triệu phú dị ứng mạnh với thuế. Từ 10 năm nay, anh và cô vợ ca sĩ người Pháp nổi tiếng Vanessa Paradis dành phần lớn thời gian sống ở Pháp. Nhưng mới đây, Johnny tuyên bố từ giã nước Pháp sau khi được đề nghị nhập quốc tịch Pháp.
Johnny giải thích: “Họ muốn tôi trở thành thường trú nhân để bắt tôi đóng thuế”. Nói vậy nhưng Johnny sẽ được miễn thuế nếu sống ở quê vợ không quá 183 ngày/năm.
Từ những điểm bất hợp lý nói trên, tỉ phú Warren Buffett yêu cầu tăng thuế đối với các nhà triệu phú và tỉ phú ở Mỹ. Đề xuất của ông Buffett lập tức gây ra một cơn bão phản đối trong giới siêu giàu Mỹ bởi có quá ít tỉ phú đồng ý với ông.
Tỉ phú Stephen Schwarzman (tài sản: 4,7 tỉ USD) chẳng hạn, đã lớn tiếng tuyên bố rằng “tăng thuế là gây chiến”. Ông còn ví von “nó giống như Hitler đưa quân xâm lăng Ba Lan năm 1936”.
Người giàu Hy Lạp ở London
Cũng có những lập luận trốn thuế mang màu sắc chính trị như trường hợp của một số tỉ phú Hy Lạp. Nước này đang là mắt bão công nợ làm đảo điên khu vực đồng euro. Hầu hết các nhà tỉ phú xứ này đều sống ở các nước mà họ có thể đóng thuế nhẹ hều nhờ những thủ thuật trốn thuế tinh vi.
Từ lâu, London trở thành bãi đáp yêu thích của những người siêu giàu Hy Lạp trong giới hàng hải. Có thể kể Onassis, Chandris, Goulandris, Embiricos, Lemos, Hadjipateras, Niarchos, Tsakos... Họ được gọi là “những người Hy Lạp ở London” sống rất kín đáo. Nhiều chủ hộ ở One Hyde Park là người Hy Lạp.
“Cướp biển” Johnny Depp không dám ở Pháp lâu vì sợ bị đóng thuế nhiều _Ảnh: G.D
Vì vậy trong danh sách hơn 1.000 người giàu nhất ở Anh mà tờ Sunday Times công bố hằng năm, chỉ có một cái tên Hy Lạp: John Goulandris, người được mệnh danh là “hoàng đế thương thuyền”. Tài sản của ông năm 2011 được ước tính 200 triệu bảng Anh, đứng hạng 337.
Lý do đầu tiên để các tỉ phú Hy Lạp cập bến nước Anh là né thuế. Họ được hưởng chế độ “trú nhân không nhà cố định”, đồng nghĩa rằng chỉ đóng thuế trên thu nhập phát sinh ở Anh chứ không trên toàn bộ tài sản.
Họ sống ở nước ngoài để khỏi đóng thuế trong nước. Nhưng Hy Lạp đang lâm nguy, họ có cảm thấy vô trách nhiệm không ? Tờ Le Temps của Thụy Sĩ đã đề nghị ông George Koukis, người giàu hạng 58 ở Hy Lạp hiện đang sống ở Geneva, trả lời câu hỏi này.
Và đây là câu trả lời của ông: “Tôi sẽ không cho họ đồng nào bởi vì nó sẽ bị đánh cắp hoặc chi không đúng chỗ. Vấn đề của Hy Lạp là chỉ có 5-6 dòng họ thay phiên nhau cầm quyền. Bảo thủ hay xã hội, họ đều bòn rút kinh tế Hy Lạp những món tiền lớn”.
Kỳ tới: Hội triệu phú yêu nước
Bình luận (0)