Giá lương thực đã giảm đáng kể trong tháng 7 so với tháng trước, đặc biệt là giá lúa mì và dầu thực vật. Cụ thể, chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) trong tháng 7 giảm 8,6% so với tháng trước. Trong tháng 6, mức giảm này là 2,3%. Tuy nhiên, chỉ số này trong tháng 7 vẫn cao hơn 13,1% so với tháng 7-2021.
Cụ thể, chỉ số FAO cho thấy giá ngũ cốc trong tháng 7 giảm 11,5% so với tháng trước. Riêng giá lúa mì giảm 14,5%. Giá dầu thực vật giảm 19,2% - xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, một phần do lượng dầu cọ xuất khẩu dồi dào từ Indonesia, giá dầu thô giảm và nhu cầu về dầu hướng dương giảm. Giá sữa và thịt cũng giảm lần lượt 2,5% và 0,5%.
Giới chức FAO hôm 8-8 hoan nghênh diễn biến trên nhưng cảnh báo thông tin tốt có thể không kéo dài bởi vẫn còn những yếu tố không chắc chắn.
Ông Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của FAO, chỉ ra rằng giá phân bón cao có thể ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất trong tương lai và sinh kế của nông dân. Chưa hết, triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và các biến động tiền tệ cũng đe dọa gây sức ép mạnh mẽ lên an ninh lương thực toàn cầu.
Tàu chở hàng tại cảng Odesa (Ukraine) hôm 5-8Ảnh: Reuters
Theo các nhà phân tích, giá lương thực sụt giảm bởi sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Ông Rob Vos, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (Mỹ), đề cập thông tin sản lượng lúa mì thu hoạch tại Mỹ và Úc cao hơn dự kiến trong năm nay, từ đó giúp cải thiện nguồn cung. Ngoài ra, thỏa thuận Nga - Ukraine về việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen sau nhiều tháng bị phong tỏa cũng góp phần làm hạ nhiệt thị trường. Chuyến hàng ngũ cốc đầu tiên của Ukraine kể từ cuối tháng 2-2022 đã rời cảng Odesa ngày 1-8.
Nhưng theo ông Rob Vos, các công ty vận tải hàng hóa và bảo hiểm vẫn có thể nghĩ rằng việc vận chuyển ngũ cốc ra khỏi vùng chiến sự là quá rủi ro. Chuyên gia này nói thêm rằng giá lương thực vẫn còn biến động và bất kỳ cú sốc mới nào cũng có nguy cơ khiến giá tăng trở lại.
"Để giúp ổn định thị trường, thỏa thuận cần phải được duy trì đầy đủ trong nửa cuối năm nay vì đó là khoảng thời gian hầu hết hoạt động xuất khẩu của Ukraine diễn ra" - ông Rob Vos nhận định với đài CNBC.
Dù vậy, chuyên gia Carlos Mera của Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) lo ngại rằng trong trường hợp xung đột Nga - Ukraine kéo dài, diện tích đất trồng trọt của Ukraine có thể tiếp tục bị thu hẹp, khiến sản lượng thu hoạch sụt giảm thêm vào năm tới.
Những yếu tố khác tác động đến giá lương thực cũng được nhắc đến. Vào đầu tháng này, các nhà phân tích của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) cảnh báo kịch bản giá phân bón tăng có thể khiến giá ngũ cốc tăng trở lại. Dù đã giảm gần đây nhưng giá phân bón hiện vẫn cao gấp đôi so với năm 2020. Việc Nga hạn chế nguồn cung khí đốt khiến giá khí thiên nhiên tăng ở châu Âu. Đây là nguyên liệu đầu vào chủ chốt của phân đạm.
Ngoài ra, hiện tượng thời tiết La Nina đe dọa làm gián đoạn việc thu hoạch ngũ cốc vào cuối năm nay. Một vấn đề khác là nỗi lo kinh tế suy thoái. Nhóm chuyên gia của Fitch Ratings cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn cầu đang trên đà sụt giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bất chấp nỗi lo bước đi này có thể gây ra suy thoái.
Bình luận (0)