Một bức màn bí ẩn bao trùm những người trong nhóm Fukushima 50. Cho đến thứ ba vừa qua, một số thông tin về điều kiện làm việc khắc nghiệt của họ mới được tiết lộ qua lời kể của Kazuma Yokota, thanh tra an toàn hạt nhân. Ông này từng làm việc chung với họ 5 ngày.
Đối với những người tự nguyện này, hy sinh là một từ không hề “có cánh”. Edmund Lengfelder, một chuyên gia về hạt nhân Đức, nhận định rằng phân nửa quân số của Fukushima 50 “sẽ chết” và số người còn lại sẽ cảm thấy “hy vọng sống sót của họ phai dần”. Ngay Thủ tướng Nhật Naoto Kan cũng khẳng định rằng “họ sẵn sàng nhận lấy cái chết”.
Vấn đề là chết nhanh hay chậm
Một người mẹ có con trai 32 tuổi trong nhóm Fukushima 50 đã khóc khi tâm sự qua điện thoại với phóng viên kênh truyền hình vệ tinh Mỹ Fox News hôm 31-3: “Con trai tôi và các đồng nghiệp đã bàn luận rất lâu về vấn đề phóng xạ. Họ đã đi đến quyết định nếu cần sẽ hy sinh để cứu đất nước khỏi thảm họa hạt nhân. Nó nói với tôi rằng tất cả đều ý thức được một điều rằng có thể chết nhanh do nhiễm phóng xạ quá cao hoặc chết chậm do ung thư”.
Bà mẹ này không thể khẳng định con trai bà và đồng nghiệp của anh ta có ai đổ bệnh vì phóng xạ chưa. Trong khi đó, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan chủ quản Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, cho biết các đội y tế đã tiến hành những cuộc kiểm tra nồng độ phóng xạ của tất cả những người tham gia cứu nạn.
TEPCO khẳng định rằng ngoài 3 công nhân đổ bệnh do làm việc trong môi trường nước bị nhiễm xạ của lò phản ứng số 3 đã được cứu chữa hồi tuần rồi, chưa thấy có trường hợp nào khác sau khi làm việc gần các lò phản ứng bị hư hại. Riêng hai người bị phỏng chân, mắt cá và bị phơi nhiễm phóng xạ đã xuất viện và được theo dõi sát sao.
TEPCO khẳng định rằng những người xử lý những vấn đề kỹ thuật của lõi nhiên liệu chỉ được phép làm việc 15 phút ở bên trong tòa nhà chứa lò phản ứng hoặc gần các chất phóng xạ cao, kể cả chất plutonium xuất hiện ở một số nơi bên trong nhà máy.
Các thành viên của Fukushima 50 luôn mang mặt nạ, kính bảo hộ và quần áo chuyên dùng. Họ mang trên lưng một bình ôxy to tướng để thở. Mọi kẽ hở trên quần áo đều được dán keo chống phóng xạ thâm nhập nhưng biện pháp này không mấy hiệu quả.
Hậu quả mức độ phơi nhiễm phóng xạ trên người của nhóm Fukushima 50 rất cao. Bình thường một công nhân làm việc trong nhà máy điện hạt nhân không được phơi nhiễm quá 20 millisievert/năm trong thời bình.
Nhà máy Fukushima 1 hiện nay giống như thời chiến. Họ làm việc trong môi trường nhiễm xạ từ 100 đến 400 millisievert/giờ. Gọi họ là cảm tử quân thật không có gì là quá đáng.
Cầu trời cho cha trở về bình an
Những người lo lắng nhất cho số phận cảm tử quân Fukushima 50 không ai khác là vợ con và cha mẹ họ. Con gái của một thành viên trong nhóm kể lại: “Cha tôi đã 59 tuổi, quê ở Shimane miền Tây nước Nhật. Ông ấy làm việc ở một nhà máy khác và chỉ còn 6 tháng nữa về hưu. Vậy mà ông vẫn tình nguyện gia nhập nhóm Fukushima 50. Cha nói với tôi rằng tương lai của năng lượng hạt nhân tùy thuộc vào cách thức xử lý nó. Cha muốn đến đó vì nhiệm vụ”.
Đêm 15-3, vợ của một thành viên trong nhóm nhận được email của chồng. Chị kể lại trên một đài truyền hình Nhật: “Anh ấy cho biết tình hình rất nghiêm trọng. Anh ấy bảo tôi rằng hãy bảo trọng vì anh phải vắng nhà một thời gian”.
Những người trong nhóm Fukushima 50 - số người tham gia nhóm hiện nay rất đông ước chừng từ 200 đến 800 người - thay phiên nhau cứu chữa những gì có thể. Chính phủ Nhật không cho biết họ được lựa chọn theo tiêu chí nào nhưng theo tuần báo Pháp Paris-Match, đa số họ là những người gần tuổi hưu và đã có con. Vô sinh là một trong những hệ quả của việc phơi nhiễm phóng xạ.
Có hai chuyện đáng nói về những người trong nhóm Fukushima 50. Thứ nhất, họ tuân thủ nghiêm ngặt chuyện giữ im lặng. Họ ưu tiên cho công việc trong nhà máy hơn trả lời phỏng vấn báo chí. Thứ hai, họ biết rõ mức độ nghiêm trọng của những vụ cháy nổ của các lò phản ứng. Họ rất sợ nhưng không từ bỏ nhiệm vụ vì những hiểm nguy lớn nhất làm nên những con người vĩ đại.
Bình luận (0)