Mọi sự bắt đầu từ ngày 19-7-2015. Công ty Avid Life Media (ALM) ở Toronto - Canada, cơ quan chủ quản trang web Ashley Madison, thông báo toàn bộ cơ sở dữ liệu trang web Ashley Madison bị tin tặc đánh cắp ngày 15-7.
Kèm theo là tuyên ngôn của nhóm tin tặc tự xưng là The Impact Team cảnh báo nếu ALM không đóng cửa trang web thì sẽ công bố cho bàn dân thiên hạ biết tất cả thông tin cá nhân của những người sử dụng trang Ashley Madison vốn được ALM bảo mật.
Càng nổi tiếng càng khốn đốn
Ngày 21-8, nhóm tin tặc thực hiện lời hăm dọa, công khai trên mạng về tên tuổi, chiều cao, trọng lượng, giới tính, địa chỉ nhà, địa chỉ email, số điện thoại, sở thích về tính dục, chi tiết các giao dịch bằng thẻ tín dụng… của 37 triệu người sử dụng mạng Ashley Madison thuộc 53 nước, gây ra cơn địa chấn xã hội thực sự.
Trong vòng 24 giờ, báo chí Âu - Mỹ phản ánh hàng loạt tác động tiêu cực của vụ tin tặc. Ở nhiều nước, cử tri có đạo rất bức xúc khi phát hiện một số chính khách vô đạo đức. Chẳng hạn như Jeff Ashton, Trưởng công tố viên bang Florida - Mỹ, một quan chức có máu mặt từng tham gia nhiều vụ trọng án, nói ông chỉ vào trang web vì tò mò. Ông này đã phải xin lỗi vợ và con trong một cuộc họp báo.
Tony Pham - người Mỹ gốc Việt thuộc Đảng Cộng hòa, đang tranh cử chức trưởng công tố viên hạt Henrico, bang Virginia - cũng thú nhận trên kênh truyền hình CBS 6 rằng 7 năm trước, ông có mở tài khoản trên Ashley Madison. Nay ông biết lỗi và đã thành thật khai báo với vợ. Vụ việc này có thể biến giấc mơ của ông thành ác mộng.
Tại Úc, ông Craig Ogilvie, Ủy viên Hội đồng bang Queensland, cũng đang cố biện minh. Nhưng càng biện minh càng thấy khó hiểu. Ông chưa có gia đình, vậy tại sao lại bỏ tiền mở tài khoản trên trang web ngoại tình chứ không phải các trang web tìm bạn bốn phương bình thường?
Hiện nay, người ta đang điều tra xem ông có dùng máy tính hay địa chỉ cơ quan để đăng ký sử dụng dịch vụ ngoại tình hay không. Nếu có, chắc chắn ông sẽ gặp rắc rối bởi nghi vấn Ashley Madison có dấu hiệu môi giới mại dâm.
Ầm ĩ nhất và đang gây xôn xao chính trường Iceland là trường hợp của Bộ trưởng Tài chính Bjarni Benediktsson. Ngày 31-8, sau khi danh tính ông bị rò rỉ với nickname “IceHot1” trên mạng Ashley Madison, vợ ông viết trên tài khoản cá nhân Facebook rằng “không có gì mà ầm ĩ”. Cả hai vợ chồng đều có ghé qua trang Ashley Madison một lần “vì tò mò” năm 2008 nhưng sau đó không xem nữa, không hề trả tiền hay tiếp xúc với ai cho nên không vi phạm đạo đức.
Nói vậy mà không phải vậy. Theo đài truyền hình Stundin, bà Benediktsson nói dối để bênh chồng. Thật ra, ông Bjarni từng mở tài khoản Ashley Madison vào ngày 13-9-2008 khi đang làm nghị sĩ quốc hội, đại diện Đảng Độc lập. Tài khoản này đã được cập nhật sau đó vào ngày 2-10-2011 và 25-1-2013. Vào thời điểm này, ông là đương kim chủ tịch Đảng Độc lập.
Stundin còn cung cấp nhiều chi tiết hấp dẫn khác như ông Bjarni thường vào mạng lúc giữa khuya. Ông muốn “tìm một phụ nữ xinh đẹp, thông minh, vui vẻ và rất giỏi về “chuyện ấy”. Khi mở tài khoản, ông dùng địa chỉ liên lạc là Bradenton, bang Florida nơi cha ông có một ngôi nhà.
Thường dân cũng khóc
Đối với Michael, một khách hàng người Mỹ làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Midwest, bang Wyoming - Mỹ, cuộc hôn nhân của anh coi như “đi đứt”. Ba tháng trước, trong tâm trạng mông lung, anh mở tài khoản trên mạng Ashley Madison nhưng sau đó thấy nó làm ăn gian dối, anh chủ động đóng phí (19 USD) yêu cầu nhà mạng xóa mọi thông tin liên quan đến mình.
Thế nhưng, nhà mạng không chịu xóa nên giờ đây, người vợ biết được “quậy” ầm lên. Điều đáng sợ hơn là anh có thể mất việc vì trong cơ quan, sếp và đa số đồng nghiệp là tín đồ Công giáo rất ghét vụ “ngán cơm thèm phở”. Mất việc đồng nghĩa với con cái anh có thể lâm cảnh nghèo đói.
Tại Mỹ, tờ Forbes cho biết đơn xin ly dị liên tục được gửi đến tòa án. Gary Neuman, tác giả cuốn “Sự thật về ngoại tình”, nhận định: “Đây là cơ hội làm giàu cho luật sư và bác sĩ trị liệu bằng tâm lý”. Theo vị chuyên gia này, 50% cặp vợ chồng đối mặt với vấn đề “ông ăn chả, bà ăn nem” lôi nhau ra tòa ly dị ngay. Trong vụ xì-căng-đan Ashley Madison, cả chục triệu cặp vợ chồng khắp thế giới có thể rơi vào cảnh “tan đàn xẻ nghé”.
Bi đát nhất là đã có ít nhất 4 vụ tự sát được tình nghi liên quan đến sự kiện mạng Ashley Madison bị tin tặc tấn công. Cảnh sát Toronto cho biết đang điều tra 2 vụ xảy ra trong thành phố, một tuần sau khi tên tuổi người sử dụng mạng Ashley Madison bị rò rỉ. Cảnh sát TP San Antonio, bang Texas của Mỹ cũng xác nhận có một sĩ quan cảnh sát tự tử dường như có liên quan đến mạng Ashley Madison. Người quẫn trí mới nhất là một mục sư Tin lành ở bang Mississippi.
Tâm trạng của một thanh niên đồng tính Ả Rập Saudi yêu cầu giấu tên cũng không kém phần rùng rợn: “Tôi đến từ một nước Hồi giáo nơi mà người đồng tính có thể bị xử tử. Mấy năm trước, tôi học ở Mỹ và có dùng mạng Ashley Madison để tìm bạn tình là thanh niên độc thân. Bây giờ, tôi rất sợ bị lộ và bị ném đá đến chết”.
“Vua ngoại tình” từ chức
Noel Biderman - Giám đốc điều hành ALM, người tự xưng là “vua ngoại tình” - đã xin từ chức hôm 28-8. Lý do ông này ra đi không được tiết lộ nhưng không khó đoán: Ảnh hưởng vụ tin tặc tấn công trang web Ashley Madison đã vượt khỏi tầm kiểm soát của công ty.
Noel Biderman sáng lập trang web Ashley Madison năm 2001, dành cho những người đã có gia đình với khẩu hiệu “Cuộc sống vốn ngắn ngủi. Hãy tìm cho mình một người bạn tình (ngoài hôn thú)”.
Tuy Biderman ra đi, trang web cổ xúy ngoại tình Ashley Madison (sử dụng 25 thứ tiếng khác nhau) hiện vẫn hoạt động bình thường với 40,33 triệu người dùng ở 53 nước khác nhau, theo quảng cáo trang web này.
Kỳ tới: Trang mạng bá đạo
Bình luận (0)