Sau đó, ông Sarkozy đã ký một hiệp định hợp tác quân sự với Libya, sẵn sàng bán tên lửa, xe quân dụng, chiến hạm. Hai bên cũng bàn thảo việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Nội hào hứng
Thứ nhất, lòng tin của người Pháp đối với Tổng thống Sarkozy đang xuống thấp chưa từng thấy sau một loạt xì-căng-đan chính trị mà nổi bật là vụ bà Ngoại trưởng Michele Alliot-Marie dẫn chồng đến miền Nam Tunisia chơi trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh hồi năm ngoái bằng máy bay riêng của ông Aziz Miled, “người nhà” của Tổng thống Ben Ali, đúng vào lúc cách mạng Hoa Lài bùng nổ. Nghe đâu bà còn hứa Pháp không bỏ rơi ông Ben Ali. Vụ “tình ngay lý gian” này khiến bà Alliot-Marie xin từ chức, còn Bộ Ngoại giao Pháp bị những người đồng nghiệp châu Âu và Ả Rập chê cười.
Thứ hai, cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 5-2012 không còn xa lắm, ông Sarkozy cần làm việc gì đó thật ấn tượng để lấy lại thanh danh “một vị tổng thống quyết đoán và nổi bật trên chính trường quốc tế”. Libya chính là cơ hội để ông Sarkozy trổ tài trong một “cuộc chiến trời cho”.
Chiến thuật “lội ngược dòng” của ông Sarkozy bắt đầu từ việc bất ngờ tuyên bố công nhận Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp (CNT) của lực lượng nổi dậy chống chính phủ ông Gaddafi là “đại diện hợp pháp của nhân dân Libya” vào ngày 10-3 vừa qua. Ông Sarkozy như vậy trở thành nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới phủ nhận chính phủ Gaddafi và công nhận lực lượng đối lập.
Bước tiếp theo, ông Sarkozy cùng với Thủ tướng Anh David Cameron vận động ráo riết LHQ thông qua dự thảo Nghị quyết 1973 áp đặt lệnh cấm bay trên không phận Libya, kêu gọi các lực lượng thân chính phủ Gaddafi ngừng ngay các chiến dịch quân sự chống lực lượng nổi dậy nếu không muốn bị tấn công bằng không quân và hải quân của lực lượng NATO.
Kết quả, đêm 17-3, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết với số phiếu tối thiểu 10/5. Dưới đầu đề “Libya, cuộc đảo chính của ông Sarkozy”, tờ Le Journal du Dimanche (JDD) gọi Nghị quyết 1973 của LHQ là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của ông Sarkozy.
Thừa thắng xông lên, ngày 19-3, ông Sarkozy tổ chức hội nghị thượng đỉnh ủng hộ nhân dân Libya bao gồm các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu, Liên hiệp châu Phi và Liên đoàn Ả Rập tại Paris với sự có mặt của Tổng Thư ký LHQ, ông Ban Ki Moon. Kết quả đúng như mong đợi của ông Sarkozy.
Trong bối cảnh truyền thông thế giới tràn ngập tin động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ ở Nhật, ông Sarkozy bỗng dưng nổi bật trên chính trường quốc tế như một người bảo vệ cô nhi quả phụ, bảo vệ nhân quyền ở Libya.
Theo JDD, ông Sarkozy làm người ta nhớ lại cuộc chiến giữa Georgia và Nga mùa hè năm 2008. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Sarkozy làm trung gian hòa giải, ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng quân sự lớn giữa Nga và Georgia. Lúc đó, chiến thắng ngoại giao của ông Sarkozy thật là vang dội.
Ngoại thận trọng
Nếu dư luận trong nước đồng tình với vai trò tiên phong của nước Pháp trong vấn đề Libya thì dư luận nước ngoài tỏ ra thận trọng hơn, nhất là trong việc Pháp đơn phương công nhận CNT, trịnh trọng đón tiếp ba đại diện của CNT tại Điện Élysée và hứa sẽ ủng hộ về mặt quân sự. Tuy nhiên, ông Sarkozy khôn khéo không đích thân công bố chuyện công nhận CNT mà nhường cho đại diện CNT.
Theo điều tra riêng của tờ Le Nouvel Observateur, do ông Sarkozy không thông báo trước các nhà lãnh đạo EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuy bực dọc vì bất ngờ nhưng chỉ nói khéo “nghi ngờ” về chuyện đó lắm. Thủ tướng Hà Lan mạnh miệng hơn gọi hành động của ông Sarkozy là “điên rồ”.
Tại Anh, tờ Guardian nói huỵch toẹt rằng Pháp và Anh khó mà có cơ hội thành công ở Hội đồng Bảo an LHQ nếu không nhờ những nỗ lực của hai nghị sĩ John Kerry (Đảng Dân chủ) và John McCain (Đảng Cộng hòa) thuyết phục Tổng thống Obama thay đổi thái độ từ e dè sang “bật đèn xanh”.
Libya tất nhiên phẫn nộ hơn ai hết. Ngày 9-3, Saif al-Islam, con trai của đại tá Gaddafi, tung “bom tấn” trên đài truyền hình Euronews rằng ông Sarkozy đắc cử tổng thống hồi năm 2007 một phần nhờ tiền ủng hộ chiến dịch vận động bầu cử của Chính phủ Libya. Saif khẳng định rằng Libya có trong tay tài liệu và chi tiết chuyển khoản ngân hàng. Ông ta dọa sẽ công bố chi tiết trong nay mai. Saif còn đòi ông Sarkozy “trả lại tiền cho chúng tôi”. Số tiền không được nói rõ là bao nhiêu nhưng nếu có thật thì ông Sarkozy đã vi phạm luật bầu cử Pháp cấm nhận tiền ủng hộ từ nước ngoài.
Tuy nhiên, theo tuần báo L’Express, về mặt kỹ thuật, Libya khó mà thực hiện được chuyện góp tiền ủng hộ ông Sarkozy theo cách truyền thống để sau này ông Sarkozy nhớ ơn giúp lại Libya. Trừ phi việc chuyển ngân được thực hiện qua một kênh ngầm nhưng đó lại là chuyện khác.
Bình luận (0)