Ông Tsipras cho biết nước này sẽ tìm kiếm một thỏa thuận "công bằng, đôi bên cùng có lợi" với các nhà cho vay thuộc EU. Ảnh: Reuters
Một loạt thông báo phát tín hiệu cho thấy chính phủ mới sẽ bảo vệ chủ trương chống thắt lưng buộc bụng – vốn là một phần trong các điều kiện mà Hy Lạp phải đáp ứng để nhận cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU), hẳn sẽ vấp phải sự bất bình lớn từ các đối tác châu Âu mà đi đầu là Đức.
Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của nội các gồm toàn các thành viên theo chủ trương chống thắt lưng buộc bụng hôm 28-1, Thủ tướng Alexis Tsipras nhấn mạnh rằng chính phủ mới không thể khiến các cử tri thất vọng vì sự đi xuống của chất lượng sống vì chính sách khắc khổ này.
Ông Tsipras cho biết nước này sẽ tìm kiếm một thỏa thuận "công bằng, đôi bên cùng có lợi" với các nhà cho vay thuộc EU về việc đàm phán lại gói cứu trợ tài chính nhiều tỷ USD cũng như khoản nợ khổng lồ của Athens. Tuy nhiên, những động thái của vị tân thủ tướng lại khiến người ta khó có thể lạc quan về thỏa thuận mới với EU. Sau quyết định đầu tiên hôm 27-1 là ngừng kế hoạch bán 67% cổ phần cảng Piraeus, hải cảng lớn nhất ở Hy Lạp, Chính phủ mới của Hy Lạp tuyên bố sẽ tạm ngưng toàn bộ dự án này. Việc tư nhân hóa hải cảng này vốn cũng là một phần quan trọng trong các điều kiện mà Hi Lạp phải đáp ứng để nhận cứu trợ từ IMF và EU. Tập đoàn Trung Quốc Cosco và bốn công ty khác đã lọt vào danh sách các đối tượng mua cổ phần hải cảng này.
Ngoài ra, chính phủ còn có kế hoạch phục chức cho các công chức được cho là đã bị sa thải một cách bất công, đồng thời tăng lương hưu cho những người thu nhập thấp.
Sự bấp bênh cũng thể hiện rõ trong quan hệ của chính phủ mới với EU liên quan tới chính sách kinh tế. Một ngày trước khi EU dự định mở rộng trừng phạt đối với Nga trong vòng 6 tháng, Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp bất ngờ tuyên bố Athens sẽ chống lại lệnh trừng phạt này. Trong khi đó, Athen cũng thể hiện bất đồng đối với tuyên bố chung từ EU về vấn đề Ukraine hôm 27-1.
Bình luận (0)