Theo Reuters, sự gia tăng hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương khiến New Delhi lo ngại Bắc Kinh đang tạo ra “chuỗi ngọc trai” bao vây và đe dọa đến an ninh của họ.
Dù có quan hệ gần gũi về kinh tế và lịch sử, Trung Quốc và Ấn Độ luôn “đề cao cảnh giác với nhau” do những tranh chấp biên giới.
Không coi nhẹ quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thẳng thắn chỉ trích các nước có “tư tưởng bành trướng” trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 8. Nhiều người cho rằng phê phán này nhằm vào Trung Quốc, nước đang gây căng thẳng thông qua những hành động khiêu khích láng giềng cả trên biển lẫn trên bộ.
Cố vấn an ninh Mỹ Susan Rice gặp Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long
hôm 9-9 ở Bắc Kinh. Ảnh: AP
Ngoài Nhật Bản, Ấn Độ đang không ngừng tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình. Theo kế hoạch, Thủ tướng Modi sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng trong ngày 29 và 30-9. Đây là chuyến thăm Washington đầu tiên kể từ khi ông bị cấm cửa vào năm 2005. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn.
Mỹ cũng đang có quan hệ không mấy êm ấm với Trung Quốc, thể hiện gần đây nhất qua vụ máy bay 2 nước chạm trán trên không phận quốc tế ở biển Đông. Nhận định về vụ này, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đang ở thăm Trung Quốc ngày 9-9 cho rằng Bắc Kinh và Washington cần tránh các sự cố làm phức tạp hơn mối quan hệ giữa quân đội 2 bên.
Bình luận (0)