Hồi tháng 1, hòn đảo 23 triệu dân này cấm các hoạt động đi lại từ nhiều khu vực ở Trung Quốc. Đến tháng 3, hoạt động sản xuất khẩu trang tại đây tăng mạnh.
Tính đến hôm 16-5, Đài Loan đã ghi nhận 440 trường hợp nhiễm và 7 ca tử vong, theo dữ liệu từ Trường ĐH Johns Hopkins. Trong khi đó, Úc - với dân số 25 triệu người - ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm và 98 trường hợp tử vong.
Nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chống dịch Covid-19, Đài Loan đang nỗ lực để có tiếng nói lớn hơn trong các cuộc thảo luận về sức khỏe toàn cầu. Mỹ, Nhật Bản và New Zealand đều lên tiếng ủng hộ Đài Loan tham gia Hội nghị Y tế Thế giới vào tuần tới, một cuộc họp thường niên của các thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản đối điều này.
Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan phát biểu tại một cuộc họp báo về nỗ lực để gia nhập WHO tại Đài Loan hôm 15-5. Ảnh: Reuters
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và trong nhiều năm qua đã ngăn hòn đảo này tham gia các tổ chức toàn cầu, đồng thời từ chối quan hệ ngoại giao với các quốc gia duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 14-5 cho biết: "Chúng tôi là một mắt xích không thể thiếu trong mạng lưới y tế toàn cầu. Với khả năng tiếp cận WHO nhiều hơn, Đài Loan có thể hỗ trợ trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu".
Nỗ lực của chính quyền Đài Loan nhằm giúp đỡ những quốc gia bị ảnh hưởng với khẩu hiệu "Đài Loan có thể giúp" đang được đón nhận tích cực.
Hồi tháng trước, cơ quan ngoại giao Đài Loan tuyên bố quyên góp 10 triệu khẩu trang cho Mỹ, châu Âu và 15 đồng minh ngoại giao chính thức, chủ yếu là các quốc gia nhỏ ở Caribe, Thái Bình Dương và châu Phi, động thái tăng cường tiếp xúc toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng trước khen ngợi sự cởi mở và hào phóng của Đài Loan trong cuộc chiến chống Covid-19 là "hình mẫu của thế giới".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng công khai cảm ơn Đài Loan khi cho rằng châu Âu đánh giá cao "cử chỉ đoàn kết".
Ông Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc tế cao cấp tại Viện nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ), nhận định: "Trung Quốc cần tiếp cận các thị trường toàn cầu một khi họ phục hồi kinh tế và mối quan tâm của Trung Quốc là duy trì quan hệ tốt với Mỹ cũng như thế giới. Một cuộc tấn công nhằm vào đồng minh của Mỹ sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng với Washington và có thể làm tăng nguy cơ trừng phạt kinh tế và các hình phạt khác có khả năng làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc".
Bình luận (0)