Trong 1 tháng qua, cảnh sát Thái Lan đã ra quân 3 đợt, giải cứu được tổng cộng 134 người - hầu hết là dân Bangladesh, bị giam cầm tại các trại giam bí mật nằm trong rừng cao su trên đảo Takua Pa, tỉnh Phang Nga. Hiện còn 176 người, trong đó có 3 phụ nữ, chưa rõ số phận ra sao, vẫn ở trên tàu hay đã bị bọn buôn người mang đi giấu chỗ khác trước khi cảnh sát Thái đến giải cứu.
Bị đánh đập, bỏ đói, hiếp dâm
Một người thuộc sắc tộc Rohingya ở Myanmar từng tham gia đường dây buôn lậu người cho biết có nhiều trại giam lớn chứa từ 2.000-3.000 con tin được bí mật xây dựng trên lãnh thổ Thái Lan. Có thể hơn 170 người nêu trên đã bị bán cho các tàu đánh cá ở miền Nam Thái Lan hoặc các xí nghiệp ở Malaysia lao động như nô lệ.
Các quan chức Bangladesh đang có mặt tại miền Nam Thái Lan để phỏng vấn 134 người tình nghi là nạn nhân bọn buôn lậu người từ Bangladesh đến các nước trong khu vực, nhất là Malaysia. Tất cả đều kể lại trước khi bị giam trong rừng cao su Thái Lan, họ bị nhốt trên những con tàu đánh cá lớn có thể chở 500-700 người.
Mohamad Nobir Noor, 27 tuổi, là dân Rohingya sống trong trại tập trung của Cao ủy Người tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangladesh gần biên giới Myanmar. Đêm nọ, một đám đàn ông cầm mã tấu và gậy gộc đã xông vào nhà bắt anh đem nhốt trên một con tàu nhỏ. Chiếc tàu này chạy cả đêm rồi cập vào một chiếc tàu đánh cá lớn neo đậu ở ngoài khơi vịnh Bengal.
Noor bị giam dưới hầm tàu với hơn 500 người khác. Canh giữ họ có 11 tên vũ trang tận răng, hầu hết đều nói tiếng Thái, chỉ có một tay nói tiếng Rakhine. Đối với Noor, tên này rất đáng sợ vì người Rakhine theo đạo Phật ở Myanmar là “kẻ thù không đội trời chung” của người Rohingya. Năm 2012, xung đột đẫm máu từng xảy ra giữa 2 sắc tộc ít người này tại bang Rakhine - Myanmar, khiến hàng trăm người Rohingya thiệt mạng và gần 140.000 người mất nhà cửa.
Theo Noor, trong hàng trăm nạn nhân của bọn buôn lậu người bị nhốt trên tàu có khoảng 30 phụ nữ. “Có một cô gái rất đẹp bị bọn “cai tù” mang lên boong tàu. Khi trở xuống hầm, quần áo, đầu tóc rũ rượi nhưng cô ấy chỉ khóc, không nói gì” - Noor nhớ lại.
Nhiều phụ nữ đã bị cưỡng hiếp như thế trên tàu và ở các trại giam bí mật trong rừng cao su Thái Lan. Tuần rồi, báo mạng Phuketwan cho biết nhà chức trách Thái Lan đã tịch thu được một cuộn băng video quay cảnh 2 tên “cai tù” hiếp dâm một cô gái. Một tên còn ngoái đầu về phía camera cười toe toét, trong khi cô gái quay mặt giấu sau cánh tay. Điều đó cho thấy đánh đập, bỏ đói và hiếp dâm con tin là chuyện “thường ngày ở huyện” với bọn buôn người.
Uống cả nước tiểu, ăn lá rừng
Noor cho biết vì không có nước uống, anh phải dùng nước tiểu của mình để khỏi chết khát. Nếu có ai đó chịu không nổi và tử vong thì “cai tù” cho phép một nhóm đàn ông mang thi thể người xấu số lên boong tàu quăng xuống biển cho cá mập ăn.
Nạn nhân Afsar Mia, 27 tuổi, là người ở gần thị trấn Teknaf, miền Nam Bangladesh. Cách đây 1 tháng, trong lúc đi tìm việc, anh được một người mời uống nước. Uống xong, đầu óc anh quay cuồng, mí mắt nặng trĩu. Lúc tỉnh lại, Mia chẳng thấy gì vì bị bịt mắt, trói 2 tay. Hai gã đàn ông Bangladesh đưa anh và 7 người khác xuống một chiếc thuyền con chạy suốt đêm đến một tàu lớn đậu trong vịnh Bengal.
Nhóm của Mia bị nhốt dưới hầm tàu tối thui, chật ních người. Mỗi ngày, họ chỉ được cung cấp một ít cơm và nước uống mặn như muối. Bọn “cai tù” gồm 14 tên có súng, thích là chúng dùng gậy đánh, dùng dây nịt da quất con tin. Cả ngày, họ bị buộc phải ngồi xổm. Nắp hầm thỉnh thoảng mới được mở để đưa xác người chết ra ngoài.
Bốn ngày sau, Mia và 80 người khác được đưa lên một đảo hoang của Thái Lan. Tại đây, họ bị bỏ đói và bỏ rơi. Bọn “cai tù” đã bỏ trốn vì sợ “bể ổ”. Hơn 80 người phải hái lá rừng ăn cầm hơi. Họ chỉ sống sót khi cảnh sát Thái Lan phát hiện và giải cứu đưa về tỉnh Phang Nga.
Jadsada Thitimuta, một viên chức ở Phang Nga, thốt lên: “Thật quá sức tưởng tượng! Nhiều người mang thương tích, thân hình gầy ốm như thây ma”. Trong khi đó, sau khi tiếp xúc với nạn nhân của bọn buôn người, phóng viên hãng thông tấn Reuters mô tả tình trạng những người được giải cứu chẳng khác gì nô lệ cách đây vài trăm năm.
Giải cứu hơn 700 người
Các quan chức Bộ Ngoại giao Bangladesh thừa nhận có một mạng lưới khổng lồ buôn lậu người qua biên giới ở nước này và Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia - những nước giáp ranh biển Andaman. Từ đầu năm đến nay, Bộ Ngoại giao xác định hơn 700 người Bangladesh là nạn nhân của bọn tội phạm có tổ chức này đã được giải cứu ở Thái Lan. Trong đó, 300 người đã được trả về nước, số còn lại chờ xác minh thêm vì tính pháp lý phức tạp của vấn đề.
Ông Manit Pianthiong, người đứng đầu huyện Takua Pa, có thâm niên 28 năm trong việc đối phó với bọn buôn lậu, đặc biệt là buôn người. Tuy mới nhậm chức từ đầu năm 2014, chủ trương tiêu diệt bọn buôn người trên đất Thái của ông được người dân theo các đạo Hồi, Phật và Ki-tô ủng hộ rất mạnh. Nhờ ngư dân địa phương cung cấp thông tin chính xác, ông giải cứu được nhiều nạn nhân. Mới đây, sau khi thẩm vấn 134 người Bangladesh và Rohingya được giải cứu, ông Manit tuyên bố theo tiêu chuẩn quốc tế, đây là nạn nhân của bọn buôn người chứ không phải dân nhập cư lậu.
Tuy nhiên, không ít quan chức cao cấp ngành cảnh sát và quân đội Thái Lan bất đồng quan điểm với ông Manit. Họ cho rằng đó là dân nhập cư lậu cần phải bỏ tù, không nên trả về nguyên quán. Theo đài BBC, có lẽ các vị này không muốn thừa nhận nạn buôn lậu người vẫn tiếp tục lộng hành trên đất Thái vì không bị ngăn chặn quyết liệt.
Kỳ tới: Thuyền viên nô lệ
Bình luận (0)