Phát biểu trước báo giới ngày 28-4, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana gọi Trung Quốc là "kẻ xâm lấn, nên dừng lại và rút khỏi". Ông Lorenzana nêu rõ Trung Quốc "không có quyền hay cơ sở pháp lý để ngăn cản Manila tiến hành cuộc diễn tập" ở biển Đông.
Bộ trưởng Lorenzana khẳng định chính Trung Quốc đang làm phức tạp vấn đề bằng cách chiếm đóng và biến một số thực thể ở bển Đông thành đảo nhân tạo phi pháp.
Bộ trưởng Lorenzana cho biết căn cứ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Phippines có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 370 km của Philippines ở biển Đông.
Tàu của tuần duyên Philippines diễn tập trên biển Đông hôm 24-4. Ảnh: EPA-EFE
Tuyên bố của Bộ trưởng Lorenzana đưa ra sau phản ứng về cuộc diễn tập từ Trung Quốc. Ngày 26-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Philippines phải dừng các cuộc tuần tra và diễn tập ở vùng biển Philippines tuyên bố có chủ quyền ở biển Đông. Ông Uông còn nói rằng Philippines nên "dừng những hành động làm phức tạp tình hình và làm leo thang các tranh chấp".
Theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin hôm 28-4 đã lệnh gửi công hàm phản đối về phát ngôn trên của ông Uông. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Philippines ra tuyên bố nhấn mạnh: "Trung Quốc không có quyền bảo Philippines điều chúng tôi có thể và không thể làm trong chính vùng biển của chúng tôi".
Ngày 24-4, Lực lượng tuần duyên và Cục ngư nghiệp Philippines tiến hành cuộc diễn tập hàng hải trong EEZ của nước này ở biển Đông, sau thông báo tăng cường hiện diện để đối phó sự hiện diện "mang tính đe dọa" của tàu Trung Quốc.
Trong ngày 28-4, Lực lượng đặc nhiệm chuyên trách vùng biển phía Tây của Philippines (NTF-WPS) ra tuyên bố đảm bảo tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải liên tục. Theo tờ Philippine Daily Inquirer, với sự hỗ trợ của Nhóm Hàng hải Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP-MG), Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) và các tàu thủy sản (BFAR) đang phối hợp chặt chẽ, triển khai thường xuyên các tàu để thực thi pháp luật, giám sát, đảm bảo an toàn cho ngư dân và bảo vệ môi trường.
Philippines tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện để chống lại sự xuất hiện mang tính "đe dọa" của các tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu và các thực thể khác thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Lực lượng tuần duyên Philippines
Ngày 22-4, Philippines phát hiện 3 tàu tuần duyên của Trung Quốc tại Panatag (tức bãi cạn Scarborough) và gần đảo Thị Tứ, bãi Cỏ Mây (đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Ngày 28-4, 9 tàu Trung Quốc vẫn ở gần bãi Ba Đầu (Philippines gọi bãi này là Julian Felipe) cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết Philippines đã gửi ít nhất 80 công hàm phản đối sự xâm nhập của Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức.
Bình luận (0)