Lầu Năm Góc đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới hồi tuần rồi, cuộc tập trận kéo dài một tháng hai năm diễn ra một lần mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), quy tụ 46 tàu nổi và tàu ngầm, 200 máy bay và 25.000 binh sỹ từ 25 quốc gia.
Cư dân Hawaii chào đón tàu hải quân tới tập trận RIMPAC. Ảnh: Reuters
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường RSS Tenacious của Hải quân Singapore tham gia tập trận RIMPAC 2018 Ảnh: Reuters
Trung Quốc vắng mặt tại cuộc tập trận lần này - sau 2 lần góp mặt liên tiếp năm 2014 và 2016, vì bị hủy lời mời do các hoạt động quân sự hóa phi pháp các đảo tại biển Đông.
Tuy nhiên, khi các tàu tấp nập tới Hawaii để tham gia tập trận RIMPAC, Trung Quốc đang hoàn tất các cuộc tập trận hải quân của mình, với một loạt các cuộc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi bờ biển Đài Loan bắt đầu từ hôm 17-6.
Theo CNN, hai cuộc tập trận riêng biệt diễn ra có phần chồng chéo về thời gian này càng củng cố sự khác biệt giữa hai siêu cường giữa lúc cả hai nước đang nỗ lực tranh giành ảnh hưởng tại Thái Bình Dương.
RIMPAC là cuộc tập trận "xây dựng quan hệ". Đó là lời các các lãnh đạo quân sự Mỹ tại cuộc họp báo tại Hawaii hôm 29-6, trong đó chỉ ra các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương lần đầu tiên tham gia hoặc nâng cấp sự tham gia cuộc tập trận này, bao gồm Việt Nam, Malaysia và Philippines – các nước đều có các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
"Chúng tôi làm việc cùng nhau, xây dựng các mối quan hệ tại đây và sau đó… rất khó để bỏ một người bạn"- Phó Đô đốc John Alexander – Tư lệnh Hạn đội 3 của Hải quân Mỹ nói tại Trân Châu Cảng với các thành viên của cuộc tập trận RIMPAC.
Theo các nhà phân tích, RIMPAC cho thấy Hải quân Mỹ làm bạn tốt hơn Hải quân Trung Quốc.
"Sự vắng mặt của Trung Quốc đồng nghĩa với việc họ mất một cơ hội để thiết lập quan hệ chuyên nghiệp cũng như các mối quan hệ cá nhân tiềm năng với những hải quân khu vực cũng như quốc tế"- ông Carl Schuster, cựu giám đốc tác chiến của Trung tâm Phối hợp tình báo thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không chủ trì bất cứ cuộc tập trận hải quân nào ở quy mô của RIMPAC.
Mặt khác, mô tả sự góp mặt gần nhất của Trung Quốc tại RIMPAC 2016, chuyên gia phân tích Brad Howard của trang mạng Task and Purpose ví von một cách trần trụi rằng nước này cơ bản giống như "một đứa trẻ tới bữa tiệc và khoắng hết đồ ăn trong tủ lạnh mà chẳng xin phép ai". Trong khi đó, trong lần tham gia RIMPAC hai năm trước đó, Bắc Kinh đã khiến giới chức hải quân Mỹ không khỏi bất bình khi trở thành nước đầu tiên dù được mời chính thức tham dự tập trận nhưng vẫn cử tàu do thám thu thập dữ liệu điện tử!
Đáng chú ý, trong các sứ mệnh tập trận RIMPAC được lên kế hoạch trong năm nay có các hoạt động diễn tập tên lửa mới, đổ bộ, dọn mìn và chống cướp biển, theo Hải quân Mỹ.
Tập trận đổ bộ tại RIMPAC 2018. Ảnh: Reuters
"Các nội dung tập trận này sẽ nổi bật trên truyền thông suốt 1 tháng ròng, đều là những hoạt động mà hải quân các nước muốn tập trận cùng hải quân Mỹ"- ông Peter Layton, chuyên gia tại Viện Griffith Asia tại Úc nhận định. Đồng thời, vị chuyên gia nhấn mạnh Hải quân Mỹ biết cách thể hiện sức mạnh bản thân và năng lực của các đối tác. Và sự hiện diện của các quốc gia biển Đông tại RIMPAC thể hiện sự kiên định lớn của Mỹ trong khu vực.
Cũng theo nhận định của ông Layton, RIMPAC cũng là cơ hội của các nước ASEAN thể hiện sự ủng hộ tích cực với lập trường của Mỹ ở biển Đông.
Trong tổng số 10 quốc gia ASEAN, bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, chỉ có 3 nước không tham gia RIMPAC lần này là Campuchia, Lào và Myanmar.
Bình luận (0)