Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ tháng 9-2016, GS-TS Andrew Erickson, Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết Bắc Kinh đã triển khai 3 loại tàu để theo đuổi tham vọng ở biển Đông, gồm: tàu hải quân "thân xám", tàu cảnh sát biển "thân trắng" và tàu dân quân biển "thân xanh".
Lực lượng trong bóng tối
Tàu hải quân - mang nhãn mác Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (TQ) rõ ràng - có tính đe dọa và leo thang căng thẳng nên Bắc Kinh thường hạn chế triển khai. Trong khi đó, tàu cảnh sát biển và tàu thực thi pháp luật được xem như các đơn vị nhẵn mặt ở biển Đông. Từ năm 2010-2016, các đơn vị Cảnh sát biển TQ can dự vào 71% trong số 45 vụ rắc rối ở vùng biển quan trọng chiến lược này.
Hạm đội tàu cá Trung Quốc tại cảng Chu San, tỉnh Chiết Giang
Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Theo học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS), tàu Cảnh sát biển TQ đang ngày càng được đóng với kích thước lớn hơn. Trong một số trường hợp, tàu "thân xám" của hải quân nước này được sơn màu trắng của tàu cảnh sát biển!
Lực lượng thứ ba, dân quân biển của TQ, là lực lượng bán quân sự hoạt động ở tiền tuyến nhưng ẩn náu dưới dạng dân sự. Lực lượng được cho là phát triển trong bóng tối để thực hiện những mưu đồ đen tối này thường xuất hiện dưới dạng tàu đánh cá nhưng lại không mấy khi để tâm tới việc đánh bắt. Giới chuyên gia cho rằng những con tàu "thân xanh" này đang thực hiện chiến dịch "xâm chiếm vùng xám", tức nơi đang xảy ra tranh chấp trên biển.
Theo phân tích của chuyên gia Erickson trên Tạp chí The National Interest, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối. Sự nhập nhằng giữa tàu cá với tàu dân quân biển của TQ đã khiến lực lượng chức năng các nước trên biển Đông không khỏi do dự khi đối mặt những đối tượng này và chúng lại càng được đà lấn lướt, coi thường luật pháp quốc tế.
Cựu đại tá quân đội Mỹ Tom Hanson, giáo sư thỉnh giảng thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI), chỉ rõ một điểm rắc rối về pháp lý: Hạm đội tàu cá của TQ được hợp nhất với Cơ quan Thực thi luật nghề cá của lực lượng dân quân biển. Mối liên hệ này giải thích vì sao tàu Cảnh sát biển TQ xuất hiện nhanh chóng trong những vụ tàu nước này hoạt động phi pháp, bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ. Có điều, nếu tàu cá TQ bị bắt giữ, Bắc Kinh có thể viện dẫn điều 95 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và yêu cầu miễn trừ vì nó thuộc sở hữu của lực lượng dân quân biển (tức là tàu chiến về mặt kỹ thuật), thậm chí cho rằng vụ bắt giữ này là một hành động gây chiến.
Nhởn nhơ, lắt léo
Nhiều tàu dân quân biển mới của TQ triển khai trên biển Đông được đóng lớn hơn, với phần thân gia cố và có thêm đường ray bên ngoài nhằm hạn chế thiệt hại khi va chạm, đồng thời trang bị cả vòi rồng. Rõ ràng, không tàu nào dùng để đánh bắt cá lại được trang bị như vậy.
"Đừng lầm tưởng! Đó là lực lượng do nhà nước tổ chức, phát triển và kiểm soát, hoạt động theo hệ thống mệnh lệnh quân sự trực tiếp" - GS Erickson nhấn mạnh trong cuộc điều trần nêu trên. Vị chuyên gia uy tín còn đề nghị giới chức Mỹ phải lật tẩy bộ mặt thật của lực lượng dân quân biển nhiều mập mờ này.
Lật mặt nạ dân quân biển TQ cũng là quan điểm mà TS Erickson đi sâu trong nhiều bài viết của ông trên các tạp chí quân sự. "Lực lượng dân quân biển TQ vẫn có thể nhởn nhơ và hành động lắt léo nếu chúng ta im lặng, không hành động" - ông quan ngại.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ vào tháng 4-2016, khi được hỏi liệu có phải Bắc Kinh đang sử dụng hạm đội ngư dân của mình để đòi chủ quyền phi pháp ở các vùng biển tranh chấp hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng lập tức phủ nhận: "Không có bất cứ thứ gì như vậy cả".
Đây vốn là câu cửa miệng của ông Lục mỗi khi được hỏi về vấn đề này song thực ra, hồi tháng 2-2016, báo China Daily của TQ từng công khai thừa nhận vai trò của dân quân biển nước này. "Một lực lượng ít được chú ý hơn, dân quân biển của TQ đang cải thiện năng lực hoạt động. Phần lớn dân quân biển là ngư dân địa phương" - bài viết nêu rõ, kèm theo hình ảnh dân quân biển đang tham gia huấn luyện quân sự với súng có trang bị lưỡi lê.
Ngoài ra, đại tá Xu Qingduan, Chỉ huy Quân sự TP Bột Hải, tỉnh Quảng Tây - TQ, còn tiết lộ dân quân biển của thành phố này đã được yêu cầu tham gia nhiều cuộc tập trận hải quân trên biển và trên không từ năm 2014.
"Vũ khí bí mật"
Đến nay, quy mô của dân quân biển TQ vẫn còn là ẩn số. Theo trang Daily Caller có trụ sở tại Mỹ, một báo cáo vào năm 1978 ước tính lực lượng này gồm 750.000 người và 140.000 tàu. Theo các chuyên gia hàng hải, dân quân biển thường được gọi là "vũ khí bí mật" của TQ nhưng thực ra, lực lượng này đã và đang hoạt động hết sức ngang nhiên. Sách Trắng quốc phòng năm 2010 của TQ nói rằng nước này có 8 triệu đơn vị dân quân song không rõ lực lượng dân quân biển mập mờ có được tính hay không.
Trong báo cáo hằng năm về an ninh quân sự liên quan tới TQ gửi lên quốc hội Mỹ hồi tháng 5-2016, Lầu Năm Góc cho biết Bắc Kinh đang sử dụng một lượng lớn dân quân biển không chính quy, còn được gọi "ngư dân xanh", để phục vụ tham vọng của nước này ở biển Đông. Thậm chí, lực lượng này còn gây rối cả các tàu Hải quân Mỹ.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, TQ sử dụng "chiến thuật cưỡng bức" và gia tăng gây căng thẳng ở những vùng biển mà nước này muốn kiểm soát. Giải thích về chiến thuật này, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á lúc đó, ông Abraham Denmark, nói rằng TQ cho cảnh sát biển và tàu đánh cá đi chung với nhau nhằm gây rối ở vùng biển mà Bắc Kinh muốn chiếm hoặc tuyên bố chủ quyền phi lý của mình.
Bình luận (0)