Reuters dẫn dữ liệu từ trang web theo dõi tàu thuyền Marine Traffic cho biết tàu Hải Dương Địa chất 8 rời khỏi EEZ của Malaysia hôm 15-5, sau đó đi về hướng Bắc. Nó được hộ tống bởi ít nhất 2 tàu khác.
Dữ liệu từ tháng trước cho thấy con tàu tiến hành khảo sát gần một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia ở biển Đông từ giữa tháng 4. Bộ Ngoại giao Malaysia không bình luận về thông tin mới nhất kể trên.
Trong khi đó, tàu thăm dò dầu khí The West Capella - đang ký hợp đồng với Công ty Petronas (Malaysia) - trước đó cũng rời khỏi vùng biển trên hôm 12-5 sau khi hoàn thành công việc theo kế hoạch.
Tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: NC
Tàu thăm dò dầu khí The West Capella. Ảnh: NC
Malaysia kêu gọi giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng giải pháp hòa bình. Về phía Trung Quốc, nước này tuyên bố không xảy ra sự cố nào giữa tàu Hải Dương Địa chất 8 và tàu The West Capella, đồng thời nói rằng con tàu chỉ thực hiện "các hoạt động bình thường".
Vụ việc liên quan đến tàu Hải Dương Địa chất 8 khiến Mỹ bày tỏ sự chú ý. Washington yêu cầu Bắc Kinh "ngừng hành vi bắt nạt các nước láng giềng tại vùng biển tranh chấp". Các tàu chiến của Mỹ và Úc cũng mở cuộc tập trận chung ở biển Đông, gần nơi tàu The West Capella hoạt động trong những tuần gần đây, ngay sau khi tàu Hải Dương Địa chất 8 đến.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI, trụ sở tại Washington), tiết lộ vụ việc giữa tàu Trung Quốc và tàu Malaysia diễn ra trong nhiều tháng qua.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng sự xao lãng của cộng đồng quốc tế khi đối phó đại dịch Covid-19 để thúc đẩy sự hiện diện ở biển Đông. Đáp lại, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng trước cáo buộc các quan chức Washington bôi nhọ Bắc Kinh.
Bình luận (0)