IRNA dẫn lời người phát ngôn Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) cho hay tàu USS Nimitz đi kèm một tàu hộ tống của hải quân Mỹ đã tiếp cận giàn khoan dầu Resalat của Iran ở Vịnh Ba Tư. Sau đó, một trực thăng cất cánh từ tàu sân Mỹ cũng bay gần các tàu do IRGC quản lý.
Hãng tin nhà nước Iran cho biết thêm sự việc diễn ra vào ngày 28-7. Hai tàu của hải quân Mỹ đã rời khỏi khu vực sau cuộc chạm trán. IRNA cũng nói rằng các tàu Iran "không để ý tới hành vi khiêu khích của tàu USS Nimitz và tiếp tục thực hiện sứ mệnh như bình thường".
Hạm đội 5 của hải quân Mỹ đóng tại Bahrain chưa bình luận về thông tin trên.
Tàu sân bay USS Nimitz của hải quân Mỹ. Ảnh: REUTERS
Trước đó, vào ngày 25-7, tàu tuần tra của Washington cũng bắn cảnh cáo tàu của Tehran do "tiếp cận ở khoảng cách nguy hiểm". Tuy nhiên, phía Iran khẳng định họ không tiếp cận tàu Mỹ và đổ lỗi cho tàu tuần tra của Washington.
Lực lượng Mỹ và Iran thường xuyên chạm trán ở Vịnh Ba Tư. Hầu hết các cuộc chạm trán đều liên quan tới IRGC – lực lượng riêng biệt hoạt động song song với quân đội Iran.
Hồi tháng 1, tàu khu trục USS Mahan đã nổ súng về phía nhóm tàu tấn công nhanh của Iran tại eo biển Hormuz. Iran coi sự hiện diện của Mỹ ở Vịnh Ba Tư là hành động khiêu khích, đồng thời lên án cách hành xử "không chuyên nghiệp" của hải quân Mỹ.
Không chỉ chạm trán về quân sự, Iran còn công kích Mỹ trên cả mặt trận chính trị. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi ngày 29-7 chỉ trích lệnh trừng phạt mới do Washington chuẩn bị áp đặt lên nước này.
Ông Ghasemi nhấn mạnh Tehran sẽ tiếp tục phát triển tên lửa, đồng thời cáo buộc hành động của chính quyền Tổng thống Donald Trump là "thù địch, đáng bị lên án và không thể chấp nhận". "Các lĩnh vực quân sự và tên lửa... là các chính sách của nước chúng tôi. Những người khác không có quyền can thiệp hoặc bình luận về chúng" – ông Ghasemi nói.
Dự luật trừng phạt Iran, Nga và Triều Tiên đã được thượng viện Mỹ phê duyệt hôm 27-7, 2 ngày sau khi được hạ viện thông qua, giờ chỉ cần Tổng thống Donald Trump ký là có hiệu lực.
Đến ngày 28-7, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt riêng đối với chương trình tên lửa của Iran sau khi nước này phóng rốc-két mang vệ tinh lên quỹ đạo.
Trong một tuyên bố chung, Anh, Pháp, Đức và Mỹ lên án hành động "khiêu khích" và "làm mất ổn định" của Iran. Bốn nước cho rằng vụ thử nghiệm đã vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Bình luận (0)