Đài BBC (Anh) cho biết cuộc bỏ phiếu nói trên bị các nghị sĩ đối lập tẩy chay. Họ bước ra khỏi phòng ngay trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu.
Bà Marta Rovira, nghị sĩ ủng hộ tách khỏi Tây Ban Nha, nói trước khi bỏ phiếu: "Hôm nay, chúng ta bắt đầu trên một con đường mới để xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn. Chúng ta đang tạo ra một đất nước không có áp bức".
Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont (phải) trong cuộc bỏ phiếu hôm 27-10. Ảnh: AP
Người dân tập trung bên ngoài nghị viện Catalonia. Ảnh: REUTERS
Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy kêu gọi tất cả người dân bình tĩnh, đồng thời cam kết "khôi phục tình trạng hợp pháp" cho khu vực Catalonia.
Trước đó cùng ngày, ông Rajoy nói với các thượng nghị sĩ rằng sự kiểm soát trực tiếp đối với Catalonia là cần thiết để khôi phục "luật lệ, dân chủ và sự ổn định" tại khu vực này. Thủ tướng Tây Ban Nha yêu cầu Thượng viện áp dụng Điều 155 của Hiến pháp, trong đó cho phép ông áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp với Catalonia.
"Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont và chính quyền của ông ta đã đi theo con đường bất hợp pháp và đơn phương, trái với hành vi bình thường ở bất kỳ quốc gia dân chủ nào" - ông Rajoy tuyên bố.
Ông Puigdemont hôm 26-10 kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử sớm trong khu vực nhưng sau đó thay đổi ý định. Ông nói với nghị viện Catalonia rằng sẽ tiến hành bỏ phiếu đòi độc lập vào ngày 27-10. Ông Puigdemont dẫn đầu một liên minh nắm 72/135 ghế tại nghị viện.
Cuộc khủng hoảng nổ ra sau khi chính quyền Catalonia tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập. Theo chính quyền khu vực Catalonia, 90% cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Tỉ lệ cử tri tham gia trưng cầu là 43%.
Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra phán quyết rằng cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp.
Bình luận (0)