Giám đốc Chris Anderson của Đài quan sát Centennial thuộc Trường ĐH Nam Idaho cho biết cư dân các bang Idaho, Utah và Montana nhìn thấy quả cầu lửa lướt qua bầu trời và đây nhiều khả năng là quả tên lửa khi nó tan rã trên bầu khí quyển cách mặt đất khoảng 113 km.
Một tổ chức chuyên nghiên cứu mảnh vỡ và rác không gian dự đoán quả tên lửa bắt đầu lướt qua nước Mỹ từ hồi cuối năm ngoái, thời điểm Trung Quốc phóng một vệ tinh vào quỹ đạo. Vụ phóng vệ tinh này có thể được nhìn thấy từ miền Bắc nước Nga.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, quả tên lửa tiếp tục hành trình vòng quanh Trái Đất và chỉ mất 87 phút để bay hết một vòng. Do ảnh hưởng bởi lực hút Trái Đất, nó dần dần bị kéo xuống và khi bay qua miền Tây nước Mỹ đêm 23-2, quả tên lửa tan rã để lại những vệt sáng kéo dài trên bầu trời.
Đại diện Phòng nghiên cứu Sức đẩy phản lực của NASA, ông Patrick Wiggins, khẳng định “95% đó là tên lửa Trung Quốc dùng để phóng vệ tinh Yaogan Weixing-26 vào tháng 12-2014”.
Theo giám đốc Anderson, rất khó để xác định thời gian và địa điểm các loại “rác không gian” - bao gồm vệ tinh nhân tạo không còn hoạt động và bộ phận tên lửa, giống như quả tên lửa kể trên – bị bầu khí quyển kéo xuống cũng như hướng bay cực kỳ phức tạp của chúng.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) từng bày tỏ bức xúc về các loại rác không gian gây ảnh hưởng đến quỹ đạo Trái Đất. Năm 2013, một chiến dịch dọn dẹp các mảnh vỡ kiểu này được thực hiện nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn trong bầu khí quyển. ESA ước tính khoảng 29.000 đối tượng có kích thước lớn hơn 10 cm đang bay quanh Trái Đất với tốc độ trung bình 24.945 km/h, gấp 40 lần tốc độ của máy bay.
ESA cũng phát hiện ra mật độ các mảnh rác không gian như hiện tại có khả năng gây ra một vụ va chạm trong quỹ đạo khoảng 5 năm/lần.
Bình luận (0)