Nhiều người ở Nam Bán cầu vẫn chưa thể tiếp cận được vắc-xin ngừa Covid-19 bất chấp nỗ lực đóng góp từ các quốc gia giàu có. Hiện có dưới 1% dân số ở các nước thu nhập thấp và chỉ 10% người ở các nước thu nhập trung bình thấp được tiêm chủng đầy đủ, chênh lệch nhiều so với tỉ lệ hơn 50% ở các nước thu nhập cao.
Không thể chỉ dựa vào viện trợ!
Các nhà nghiên cứu cho rằng cách tốt nhất để bảo đảm việc tiếp cận công bằng với vắc-xin là cho phép các quốc gia ở Nam Bán cầu tự sản xuất. Ông Peter Singer, cố vấn của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho hay: "Viện trợ là tốt nhưng chúng ta không thể chỉ dựa vào viện trợ".
Kể từ năm ngoái, các tổ chức y tế đã thúc giục các công ty dược và những nước phát triển vắc-xin hiệu quả cao chia sẻ kiến thức và công nghệ với những hãng dược có thể sản xuất cho các nước nghèo hơn.
Trước thềm các cuộc thảo luận cấp cao về đại dịch tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần này và Hội nghị thượng đỉnh Covid-19 toàn cầu do Mỹ dẫn đầu vào ngày 22-9, nhiều người kêu gọi triển khai hoạt động sản xuất vắc-xin ở khu vực Nam Bán cầu.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19 do Ấn Độ và Nam Phi đề xuất tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại thế giới vào tháng 10 năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào.
Chính quyền ông Biden vẫn chưa thúc đẩy các công ty Mỹ hợp tác với những công ty ở khu vực Nam Bán cầu trong khi Đức vẫn phản đối việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin cho người dân ở thủ đô Pretoria - Nam Phi hôm 10-9. Ảnh: REUTERS
Nhiều tháng trôi qua, một số nhà nghiên cứu đã ngừng hy vọng về các mối quan hệ đối tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin sẽ thành hiện thực. Một nhóm chuyên gia ở Nam Phi đã quyết định thử và cải tiến các loại vắc-xin hiện có.
Hầu hết nhà nghiên cứu y tế toàn cầu đồng quan điểm rằng việc sản xuất vắc-xin trong khu vực là cách duy nhất để bảo đảm hoạt động triển khai tiêm chủng rộng khắp trên toàn thế giới trong cuộc khủng hoảng đại dịch.
Ông Shahid Jameel, nhà virus học tại Trường Khoa học Sinh học Trivedi thuộc Trường ĐH Ashoka ở New Delhi-Ấn Độ, cho rằng: "Chúng ta không thể khắc phục sự bất bình đẳng về vắc-xin cho đến khi hoạt động sản xuất được phân bố".
Chặng đường rất dài
WHO trước đó đã ủng hộ dự án phát triển trung tâm chuyển giao công nghệ ở Nam Phi nhằm sao chép vắc-xin của hãng Moderna với mục đích hỗ trợ các nước thu nhập trung bình thấp tiếp cận nguồn cung vắc-xin.
Tuy nhiên, ông Al-bert Bourla, Giám đốc điều hành của hãng Pfizer, đã loại bỏ sáng kiến này tại một cuộc họp vào tuần trước khi cho rằng các công ty sẽ mất nhiều năm để theo kịp tốc độ sản xuất.
Ông Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành hãng Moderna, hồi tháng 5 cũng phản đối mạnh mẽ việc từ bỏ bằng sáng chế vắc-xin và cho rằng các công ty bên ngoài sẽ mất từ 12-18 tháng để sản xuất vắc-xin công nghệ mRNA của Moderna.
Theo ông Martin Friede, nhà điều phối Sáng kiến Nghiên cứu vắc-xin của WHO, ngay cả khi trung tâm sản xuất ở Nam Phi có thể tự xoay xở mà không cần sự hỗ trợ của Moderna thì cũng phải mất hơn một năm để các nước nghèo có thể tiếp cận nguồn vắc-xin vì những cuộc thử nghiệm lâm sàng dòng vắc-xin này chỉ được khởi động vào nửa cuối năm sau.
Hãng Pfizer-BioNTech cũng đã ký thỏa thuận vào tháng 7 với hãng Biovac ở Nam Phi để hỗ trợ sản xuất 100 triệu liều vắc-xin cho châu Phi. Tuy nhiên, thỏa thuận chỉ dừng lại ở giai đoạn "chiết vào lọ và đóng gói", tức công đoạn cuối cùng của quy trình sản xuất.
Cho dù thuyết phục thành công các hãng dược sở hữu vắc-xin hiệu quả cao đồng ý chuyển giao công nghệ thì sau đó vẫn còn cả một quá trình dài. Điển hình như trường hợp của Singapore.
Hồi đầu tháng 5, hãng BioNTech tuyên bố đặt dây chuyền sản xuất vắc-xin tại Singapore nhờ tính tiên phong và nền tảng khoa học vượt trội. Hãng dược của Đức kỳ vọng cơ sở đầu tiên tại châu Á sẽ xuất xưởng hàng trăm triệu liều mỗi năm. Đây là lần đầu tiên BioNTech đặt nhà máy ngoài lãnh thổ Đức và đặt văn phòng ngoài châu Âu hoặc Mỹ.
Giới lãnh đạo Singapore đã sớm hoạch định chiến lược tiêm vắc-xin không dừng ở việc mua vắc-xin mà đặt tầm nhìn xa hơn là mang dây chuyền sản xuất về nước. Chính phủ Singapore đã dành hơn một tỉ USD để đặt mua trước các vắc-xin triển vọng, gồm cả Moderna, Pfizer-BioNTech và Sinovac. Phương án thuyết phục các hãng dược đặt cơ sở sản xuất ở Singapore cũng được tính đến vào thời điểm đó.
Dù thỏa thuận xây nhà máy sẽ thúc đẩy BioNTech chuyển thêm vắc-xin đến Singapore nhưng câu chuyện chuyển giao công nghệ và sản xuất chưa thể giải quyết nhu cầu chống dịch trước mắt của nước này. Nhà máy dự kiến sớm nhất phải gần 2 năm sau mới đi vào hoạt động.
Bình luận (0)