Nhà phân tích chính trị độc lập tại Thái Lan Kriengsak Chareonwongsak nhận định chỉ có con đường duy nhất để đưa Thái Lan thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, đó là chính phủ và phe đối lập ngồi vào bàn đàm phán.
Cuộc chơi quá sức
Các nhà phân tích cho rằng dù Tòa án Hiến pháp Thái Lan hủy kết quả cuộc bầu cử ngày 2-2 theo yêu cầu của Đảng Dân chủ đối lập thì cũng chỉ làm nước này lún sâu hơn vào khủng hoảng.
Ủy ban Bầu cử quốc gia (EC) tin rằng khó tổ chức được một cuộc bầu cử mới do những bất đồng sâu sắc giữa các bên. Điều đó có nghĩa là chưa biết đến khi nào Thái Lan mới có quốc hội và chính phủ mới. Như vậy, không chỉ lĩnh vực đầu tư, du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà các dự án lớn như xây dựng tuyến đường sắt cao tốc, làm đường bộ, xây cảng biển... cũng đình trệ theo.
Sau 3 tháng biểu tình, Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân Thái Lan (PDRC) vẫn không “hạ” được chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Vậy cuộc chơi này sẽ kết thúc ra sao?
Bình luận của tờ The Nation (Thái Lan) chỉ rõ cả 2 bên đều đang đuối sức. Một lãnh đạo PDRC thừa nhận lật đổ chính phủ là nhiệm vụ quá khó đối với một nhóm riêng biệt. Trước nay, họ áp dụng chiến thuật đường dài để tước dần tính hợp pháp của chính phủ và chờ những “tay chơi” mạnh như quân đội chốt hạ. Rủi thay, quân đội Thái Lan dường như không muốn lặp lại nước cờ đảo chính vì lo ngại làm nảy sinh một chính phủ lưu vong ở Đông Bắc Thái Lan và đến lượt lực lượng của “Áo đỏ” xuống đường.
Về phía chính phủ, theo The Nation, họ trung thành với lá bài luật pháp và bám chặt vào chiếc phao tổng tuyển cử. Thế nhưng, thông báo mới nhất của EC ngày 5-2 cho biết cử tri đi bầu trên toàn quốc - không tính 9 tỉnh phía Nam bị hủy bỏ phiếu - chỉ đạt 46,79%. Ở thủ đô Bangkok, tỉ lệ này thấp không ngờ, chỉ 16,78%. Trong khi đó, ở 2 căn cứ địa của Đảng Pheu Thai cầm quyền là miền Bắc và Đông Bắc cũng giảm mạnh, lần lượt còn 51% và 57% so với 77% và 72% của cuộc bầu cử năm 2011.
Nông dân phong tỏa đường Rama II ở tỉnh Ratchaburi - Thái Lan ngày 5-2
Ảnh: BANGKOK POST
Nông dân xuống đường
Tại nhiều tỉnh ở Thái Lan, hàng ngàn nông dân đang án ngữ các ngã tư đường đòi chính phủ thanh toán tiền nợ mua lúa gạo. Họ đe dọa phong tỏa mọi tuyến đường chính trên khắp Thái Lan vào ngày 6-2, trong khi một nhóm dự tính kéo đến đóng đô trước Bộ Thương mại ở Bangkok. Giữa lúc này, Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC) đang điều tra một số quan chức cấp cao tham gia chương trình hỗ trợ lúa gạo của chính phủ, kể cả bà Yingluck.
Riêng về việc hủy hợp đồng 1,2 triệu tấn gạo, các học giả và nhà xuất khẩu nghi ngờ có điều ám muội đằng sau thỏa thuận giữa chính phủ Thái Lan với một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng thỏa thuận bị hủy do chính phủ muốn giảm áp lực điều tra, trong khi giới mua bán gạo địa phương đồn đại hợp đồng trên thực chất không tồn tại.
Chương trình thu mua gạo giá cao đổ vỡ cho thấy chính sách dân túy mà Pheu Thai theo đuổi bắt đầu phản tác dụng. Theo chương trình này, chính phủ cam kết thu mua gạo với giá 15.000-20.000 baht/tấn, cao hơn 40%-50% so với giá thị trường. Tuy nhiên, giá cao khiến gạo không xuất khẩu được, còn tồn khoảng 15 triệu tấn trong các kho chứa quốc gia. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Thái Lan thiệt hại 200 tỉ baht (6 tỉ USD)/năm vì chương trình này kể từ khi nó được bắt đầu năm 2011.
Tổng cộng số tiền chính phủ Thái Lan nợ hơn 1 triệu nông dân hiện lên đến 130 tỉ baht. Theo hãng tin Reuters, các ngân hàng tư nhân lẫn nhà nước đều từ chối cho chính phủ của bà Yingluck vay tiền trả nợ với lý do đây chỉ là chính phủ tạm quyền.
Bộ Thương mại Thái Lan định xuất kho khoảng 500.000 tấn gạo qua đường bán đấu giá và bán thêm 860.000 tấn nữa vào tuần sau. “Chúng tôi dự tính thu về khoảng 10 tỉ baht (309,8 triệu USD) trả nợ cho nông dân” - Bộ trưởng Niwatthamrong Bunsongphaisan nói với phóng viên.
Cuộc chiến pháp lý
Đảng Pheu Thai hôm 5-2 đệ đơn khiếu nại lên EC, yêu cầu tìm cách đề nghị tòa án giải tán Đảng Dân chủ đối lập vì vi phạm hiến pháp. Trước đó một ngày, Đảng Dân chủ cũng đệ đơn đòi Tòa án Hiến pháp giải tán Pheu Thai, đồng thời hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử ngày 2-2.
Theo giới quan sát chính trị, NACC và Tòa án Hiến pháp chính là những nhân tố có thể làm thay đổi cục diện Thái Lan hiện nay.
Bình luận (0)