Thái Lan có thể là quốc gia tiếp theo ở Đông Nam Á di dời thủ đô sau khi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha gần đây nói bóng gió về một kịch bản như thế trong thời gian ông cầm quyền. Lấy cảm hứng từ quốc gia láng giềng Myanmar và kế hoạch tương tự ở Indonesia, ông Prayut cho biết việc di dời thủ đô có thể giúp Bangkok vượt qua những thách thức đô thị đang ngày một tăng. Cũng như thủ đô Jakarta - Indonesia, Bangkok đang đối mặt một loạt vấn đề như mật độ dân cư cao, nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ô nhiễm ngày càng tồi tệ, mực nước biển dâng đe dọa gây ra ngập lụt nghiêm trọng trong tương lai…
Phát biểu tại Hội nghị Kết nối Thái Lan với thế giới hôm 18-9 qua, ông Prayut nói về 2 lựa chọn cho bước đi tiềm tàng này: "Phương án thứ nhất là tìm một thành phố không quá xa và chi phí di dời không quá cao. Phương án thứ hai là đưa trung tâm hành chính ra ngoại ô Bangkok để giảm tình trạng quá tải". Dù vậy, nhà lãnh đạo Thái Lan nhấn mạnh cần tiến hành nghiên cứu toàn diện về tác động kinh tế và xã hội của kế hoạch dời đô.
Theo báo The Guardian, ông Prayut đưa ra gợi ý trên chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo kế hoạch dời thủ đô từ Jakarta đến tỉnh Đông Kalimantan. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên ý tưởng dời đô được nói đến tại Thái Lan. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra từng đề nghị dời thủ đô hành chính đến tỉnh Nakhon Nayok, cách Bangkok gần 100 km về phía Đông Bắc. Ngoài ra, một số nghiên cứu được tiến hành về việc dời thủ đô đến tỉnh Chachoengsao, cách Bangkok khoảng 80 km về phía Đông. Dù vậy, ý tưởng này đối mặt với những phản ứng trái ngược và đã xuất hiện nghi ngờ về khả năng nó thành hiện thực.
Chất lượng không khí kém là một nỗi lo của cư dân thủ đô Bangkok - Thái Lan. Ảnh: BANGKOK POST
Ông Thosaporn Sirisamphand, thành viên Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan, nói với báo Bangkok Post hôm 30-9 rằng Thủ tướng Prayut vẫn chưa yêu cầu cơ quan này nghiên cứu nghiêm túc khả năng dời đô. "Dời đô là một vấn đề lớn và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan chính phủ" - ông Thosaporn đánh giá.
Bangkok hiện là thành phố có tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng thứ 8 thế giới. Thành phố này còn được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, bên cạnh Jakarta và thủ đô Manila - Philippines. Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 40% TP Bangkok sẽ bị ngập lụt vào năm 2030 do mưa cực đoan và những thay đổi về các kiểu thời tiết. Thái Lan hồi năm 2011 hứng chịu các trận lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 70 năm, gây thiệt hại kinh tế lên đến 46 tỉ USD.
Vấn đề càng thêm nghiêm trọng khi Bangkok và Jakarta thuộc số những thành phố đang sụt lún nhanh nhất thế giới. Cư dân tại 2 địa phương này đang đối mặt tình trạng nước biển dâng, ngập lụt kinh hoàng, nhất là vào mùa mưa. Tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản) dẫn thông tin từ Viện nghiên cứu Deltares của Hà Lan cho biết thủ đô 10 triệu dân của Indonesia đang sụt lún nhanh nhất thế giới - khoảng 7,5-10 cm/năm. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cảnh báo vấn đề này sẽ còn thêm nghiêm trọng do mưa lớn, sự đình trệ trong các dự án thoát nước và tình trạng bơm nước ngầm mất kiểm soát.
Cũng theo JICA, Bangkok đang sụt lún 2 cm mỗi năm. Cơ quan này đề nghị Bangkok xây dựng các kênh thoát nước nhưng sự thay đổi chính phủ trong những năm qua đã làm đình trệ nỗ lực này. Kênh thoát nước đầu tiên của thành phố dự kiến đến năm 2025 mới hoàn thành. Còn tại Philippines, 170 dự án chống lũ cho các vùng dễ ngập ở Manila lẽ ra phải được hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, 40% dự án trong số này hiện vẫn chưa bắt đầu.
Hiểm họa từ nước biển dâng, thời tiết cực đoan
Các đảo nhỏ và thành phố ven biển ở châu Á - Thái Bình Dương cần nhiều tiền hơn để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng và giúp họ tái định cư, trong lúc đối phó tình trạng nước biển dâng và thời tiết cực đoan. Đó là nhận định được các chuyên gia khí hậu đưa ra bên lề một sự kiện khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại thủ đô Bangkok - Thái Lan hồi đầu tháng này.
"Chúng ta phải cố gắng thích nghi và giảm thiệt hại tại chỗ càng nhiều càng tốt bởi đó là nơi người dân có nhà cửa, đất đai và sinh kế. Tuy nhiên, nhiều nơi đang dần không thể ở được vì suy thoái đất, mực nước biển dâng hoặc các tác động thời tiết khác và không còn lựa chọn nào ngoài việc rời đi" - ông Harjeet Singh, chuyên gia của tổ chức từ thiện ActionAid (Nam Phi), nhận định. Theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, hơn 20 triệu người, phần lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, buộc phải rời bỏ nhà cửa hằng năm do ảnh hưởng của lũ lụt, bão, lở đất và các điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Một số chuyên gia chỉ ra rằng việc di dời chỗ ở này có thể tác động nghiêm trọng đối với những người phải ra đi, cũng như các cộng động tiếp nhận họ.
Theo hãng tin Reuters, ngay cả nước giàu như Singapore cũng đối mặt không ít thách thức nghiêm trọng. Thủ tướng Lý Hiển Long hồi tháng 8 cho biết nước này có thể tốn ít nhất 72 tỉ USD cho nỗ lực đối phó mối đe dọa từ tình trạng nước biển dâng trong những thập kỷ tới. Bà Diane Archer, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển), khuyến cáo những thành phố có nguy cơ bị ảnh hưởng nên thích ứng bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng như xây bức tường ven biển và theo đuổi các giải pháp dựa vào thiên nhiên.
Xuân Mai
Bình luận (0)